KHOA QUẢN TRỊ KINH DOANH - Where success begins

Tư vấn tuyển sinh năm 2016 - Những thắc mắc thường gặp

Nguyễn Ngọc Thông - 26/07/2016 - 0 bình luận

Nếu có những thắc mắc khác, các bạn vui lòng gởi nội dung thắc mắc theo đường dẫn này để được giải đáp.

Trân trọng!

1/ Hỏi: Năm 2016, Khoa quản trị kinh doanh trường Đại học Mở TP. HCM đào tạo những ngành nào?

Trả lời: Chương trình đào tạo của khoa có 3 ngành là: Quản trị kinh doanh, Quản trị kinh doanh quốc tế, Quản trị nhân lực. Trong đó ngành quản trị kinh doanh có ba chuyên ngành là Quản trị kinh doanh tổng hợp, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Marketing.

2/ Hỏi: Cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp Khoa QTKD trường ĐH Mở TP.HCM như thế nào?

Trả lời: Theo số liệu thống kê của khoa thì 3 năm gần đây, sinh viên ra trường tìm được việc làm 96%, trong đó trên 70% làm đúng chuyên ngành. Nhiều sinh viên học tại khoa Quản trị kinh doanh đã tìm được việc làm bán thời gian từ năm học thứ 3. Những sinh viên giỏi ngoại ngữ tìm được việc làm tốt trong các công ty đa quốc gia, các công ty lữ hành và các khách sạn 4 hoặc 5 sao. 

3/ Hỏi: Khoa QTKD trường ĐH Mở TPHCM tuyển sinh theo khối nào?

Trả lời: Khối A, A1 và D1

4/ Hỏi: Số lượng đăng kí dự thi vào khoa QTKD trường ĐH Mở TP.HCM năm 2015 và điểm trúng tuyển vào ngành QTKD trường ĐH Mở TP.HCM năm 2015 là bao nhiêu?

Trả lời: Số lượng đăng ký dự thi vào Khoa năm 2015 là 678 hồ sơ. Điểm trúng tuyển đối với NV1: cả khối A, A1 và D1 đều là 18,0 điểm; đối với NV2: cả khối A, A1 và D1 đều là 20,0 điểm 

5/ Hỏi: Chỉ tiêu trúng tuyển của khoa QTKD trường ĐH Mở TP.HCM những năm qua đối với NV1 là bao nhiêu?

Trả lời

            Năm 2014, Khoa tuyển NV1 290 sinh viên

            Năm 2015, Khoa tuyển NV1 280 sinh viên

6/ Hỏi: Điểm khác biệt của chương trình đào tạo của khoa QTKD Trường ĐH Mở TP.HCM là gì?

Trả lời: Chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng thiên về thực hành, có nhiều môn chọn, chú trọng ngoại ngữ để dễ dàng hội nhập vào môi trường kinh doanh toàn cầu. Ngoài ra, trong chương trình đào tạo còn tạo nhiều cơ hội để bồi dưỡng phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên, mời các nhà quản trị tại các công ty tới chia sẻ với sinh viên về cơ hội và hoạch định, định hướng nghề nghiệp, cũng như những chủ đề quan trọng và đang thu hút của ngành nghề đào tạo. Sinh viên liên tục được tổ chức tham quan, kiến tập, và thực tập tại doanh nghiệp để từng bước tiếp cận thực tiễn trong suốt thời gian học đại học. 

7/ Hỏi: Sinh viên phải nộp học phí là bao nhiêu tiền một năm? Nếu tính theo tín chỉ là bao nhiêu?

Trả lời: Trung bình đối với khối ngành kinh tế (trong đó có quản trị kinh doanh), trong năm 2015 vừa qua, học phí khoảng 13 triệu đồng/năm học. Nếu tính theo tín chỉ thì mức thu theo quy định của nhà trường cho khối ngành kinh tế là 350.000 đồng/tín chỉ. 

8/ Hỏi: Sinh viên khoa quản trị kinh doanh sẽ học ở cơ sở nào?

Trả lời: Sinh viên khoa quản trị kinh doanh học tại ở cơ sở số 2 Mai Thị Lựu, Quận 1 (02 Mai Thị Lựu, Quận 1). 

9/ Hỏi: Chương trình đào tạo của khoa QTKD trường ĐH Mở TPHCM có bao nhiêu tín chỉ?

Trả lời: Chương trình có 120 tín chỉ.

10/ Hỏi: Nội dung chương trình đào tạo bao gồm những gì?

Trả lời: Chương trình đào tạo gồm 120 tín chỉ với thời gian trung bình là 11 học kỳ (một năm có 3 học kỳ). Sinh viên có thể tốt nghiệp sớm hơn hoặc dài hơn thời gian trên tùy theo kế hoạch và năng lực học tập. Chương trình đào tạo gồm hai khối kiến thức chính

  • Khối kiến thức giáo dục đại cương: bao gồm các môn học về xã hội (quản trị học, marketing, giao tiếp trong kinh doanh…), các môn học công cụ như toán, tin học, ngoại ngữ, giáo dục thể chất và quốc phòng….
  • Khối kiến thức chuyên nghiệp bao gồm các môn học cơ sở của khối ngành kinh tế (kinh tế học, marketing căn bản….) ngành (quản tri học, quản trị marketing, quản trị tài chính, quản trị dự án, quản trị chiến lược….) và các môn học chuyên ngành Quản trị du lịch, Quản trị kinh doanh quốc tế, Quản trị nhân lực và Quản trị marketing. 

11/ Hỏi: Học ngành Quản trị kinh doanh sẽ học gì và sau này làm việc ở đâu?

Hoàn thành chương trình đào tạo ngành Quản trị kinh doanh, người học sẽ trở thành những doanh nhân, những nhà quản lý có đầy đủ năng lực, trình độ để làm việc trong môi trường kinh doanh cạnh tranh và biến động hiện nay.

Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp:

  • Chuyên viên kinh doanh hoặc quản trị kinh doanh trong các loại hình doanh nghiệp của nền kinh tế, các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ.
  • Tự tạo lập doanh nghiệp hoặc tự tìm kiếm cơ hội kinh doanh riêng cho bản thân trong bối cảnh hội nhập toàn cầu
  • Cán bộ nghiên cứu, giảng viên giảng dạy về quản trị kinh doanh tại các Viện, Trung tâm nghiên cứu, các cơ sở đào tạo hoặc cơ quan hoạch định chính sách kinh doanh.

12/ Hỏi: Học chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành sẽ học gì và sau này sẽ làm việc ở đâu?

Trả lời: Theo học chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, người học sẽ có được các kiến thức chuyên sâu về ngành như: quản trị điều hành hãng lữ hành, quản trị khách sạn-nhà hàng, quản trị khu nghỉ dưỡng, tổ chức sự kiện và festival du lịch, dịch vụ hội nghị, hội thảo, quản trị dịch vụ vận chuyển…

Tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, sinh viên sẽ có cơ hội phát huy kỹ năng và kiến thức ở các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn, công ty lữ hành, khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí… và các cơ quan quản lý hoạt động du lịch.

Vị trí làm việc sau khi tốt nghiệp:

  • Chuyên viên của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong và ngoài nước như các hãng lữ hành, các nhà hàng, khách sạn, các khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí…
  • Trở thành doanh nhân, tạo lập doanh nghiệp mới kinh doanh trong ngành du lịch
  • Chuyên viên tại các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch như Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, các Phòng Văn hóa thông tin Quận, Huyện…

13/ Hỏi: Học ngành Kinh doanh quốc tế sẽ học gì và sau này sẽ làm gì?

Trả lời: Hoàn thành chương trình đào tạo ngành Kinh doanh quốc tế người học sẽ có được những kiến thức và kỹ năng về các phương thức thâm nhập thị trường nước ngoài, xuất nhập khẩu hàng hóa, đầu tư nước ngoài, luật và công ước quốc tế, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể trở thành những doanh nhân, những nhà quản lý có đầy đủ năng lực, trình độ để làm việc trong môi trường kinh doanh quốc tế. Tùy theo năng lực và sở thích, sinh viên có thể làm việc tại các công ty đa quốc gia, công ty giao nhận ngoại thương, công ty kinh doanh xuất nhập khẩu, các ngân hàng trong và ngoài nước, công ty kinh doanh ngoại tệ, các tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các chi nhánh hoặc văn phòng đại diện VN ở nước ngoài hoặc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, các văn phòng Bộ/Sở thương mại, Bộ/Sở kế hoạch và đầu tư. 

Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp:

  • Chuyên viên kinh doanh hoặc quản trị kinh doanh trong các loại hình doanh nghiệp của nền kinh tế, các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, đặc biệt tại các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.
  • Tự tạo lập doanh nghiệp hoặc tự tìm kiếm cơ hội kinh doanh riêng cho bản thân trong bối cảnh hội nhập toàn cầu
  • Cán bộ nghiên cứu, giảng viên giảng dạy về quản trị kinh doanh tại các Viện, Trung tâm nghiên cứu, các cơ sở đào tạo hoặc cơ quan hoạch định chính sách kinh doanh.

14/ Hỏi: Ngành Quản trị nhân lực học gì và sau này sẽ làm gì?

Trả lời: Hoàn thành chương trình đào tạo Quản trị nhân lực người học sẽ có được những kiến thức và kỹ năng phân tích và xác định nhu cầu lao động làm cơ sở xây dựng kế hoạch tuyển dụng, bố trí nhân lực, xây dựng chính sách đãi ngộ nhân viên, quản lý và đánh giá thành tích của nhân viên, phát triển tổ chức, nắm vững pháp luật và quy định về tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội.

Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm việc ở bộ phận nhân sự của các doanh nghiệp, các đơn vị đào tạo, hoặc các công ty chuyên về cung cấp nhân lực, các cơ quan quản lý nhân lực.

Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp

  • Nhân viên phòng Nhân sự của các doanh nghiệp thuộc tất cả các ngành nghề
  • Nhân viên trong các công ty tư vấn, đào tạo, dịch vụ việc làm, các công ty chuyên về tuyển dụng và cung ứng lao động…
  • Nhân viên các cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương như Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Lao động – Thương binh – xã hội, Phòng Lao động của các Quận, Huyện…
  • Giảng viên đại học giảng dạy về nhân lực, cán bộ nghiên cứu về nguồn nhân lực trong các viện, trung tâm nghiên cứu liên quan đến nguồn nhân lực
  • Tự tạo lập doanh nghiệp hoặc tự tìm kiếm cơ hội kinh doanh riêng cho bản thân

15/ Hỏi: Chuyên ngành marketing học gì và sau này sẽ làm gì?

Trả lời: Hoàn thành chương trình đào tạo Marketing người học sẽ có được những kiến thức và kỹ năng để làm các công việc về phát triển thương hiệu, quan hệ công chúng, truyền thông marketing tích hợp, quảng cáo, thương mại điện tử, …. có khả năng nghiên cứu thị trường, hoạch định và lựa chọn chiến lược marketing cho doanh nghiệp: xây dựng kế hoạch marketing, triển khai tổ chức các họat động marketing.

Tốt nghiệp ngành này sinh viên có thể làm việc ở bộ phận marketing, quảng cáo, phát triển thương hiệu, chăm sóc khách hàng, nghiên cứu thị trường, bán hàng ở các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp chuyên về dịch vụ. 

Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp

  • Chuyên viên kinh doanh, làm việc tại phòng Marketing, phòng Kinh doanh, phòng Dịch vụ khách hàng, phòng Chăm sóc khách hàng, hay các phòng ban khác thuộc bộ phận Kinh doanh tiếp thị của các doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề.
  • Tự tạo lập doanh nghiệp hoặc tự tìm kiếm cơ hội kinh doanh riêng cho bản thân
  • Làm việc ở các công ty chuyên về nghiên cứu thị trường hoặc làm việc trong các tổ chức chuyên về dịch vụ Marketing.

16/ Hỏi: Học chuyên ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hàng ra trường có làm hướng dẫn viên được không?

Trả lời: Sinh viên tốt nghiệp ngành quản trị du lịch có thể làm hướng dẫn viên được vì trong chương trình đào tạo có kết hợp đào tạo chứng chỉ hướng dẫn viên du lịch. Đây là một thế mạnh của chương trình đào tạo ngành này.

17/ Hỏi: Sinh viên học chuyên ngành quản trị dịch vụ du lịch có được thực tập ngoại khóa nhiều không?

Trả lời: Chương trình đào tạo của Khoa Quản trị kinh doanh thiên về thực hành nhất là với chuyên ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, nên Khoa chú trọng tạo cơ hội cho sinh viên thực hành qua việc làm bán thời gian hoặc tổ chức các tour, sự kiện cho sinh viên trong trường. Mỗi kỳ học, Khoa đều tổ chức các buổi tham quan thực tế tại các khách sạn 5 sao trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như khách sạn Caravelle, Renaissance, Riverside Saigon… Ngoài ra còn mời báo cáo viên là các nhà quản trị trong các công ty du lịch và lữ hành về báo cáo cho sinh viên về những vấn đề thực tiễn.

18/ Hỏi: Môi trường học tập tại trường Đại học Mở TP HCM và đặc biệt là Khoa Quản trị kinh doanh như thế nào?

Trả lời: Môi trường học tập tại trường Đại học Mở TPHCM rất năng động. Các bạn sinh viên có cơ hội tham gia nhiều sân chơi, các hoạt động Đoàn – Hội, các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động cộng đồng và tình nguyện, các câu lạc bộ học thuật. Đặc biệt tại khoa Quản trị kinh doanh điều này càng được chú trọng.

Sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa phong phú, đa dạng, nhờ đó tinh thần học tập được thúc đẩy, cũng như các kỹ năng mềm được phát triển trong suốt quá trình học tập tại trường.

Hiện tại có 4 câu lạc bộ học thuật theo 4 ngành đào tạo và câu lạc bộ Tiếng Anh của khoa nhằm tạo sân chơi cho sinh viên, nâng cao khả năng ứng dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn các hoạt động quản trị và kinh doanh, rèn luyện kỹ năng làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả, và mở rộng mạng lưới hợp tác. Ngoài ra, 4 cuộc thi học thuật theo 4 ngành đào tạo được tổ chức hàng năm và các buổi sinh hoạt định kỳ của các câu lạc bộ được sinh viên đánh giá cao, giúp ích các bạn rất nhiều trong quá trình học tập tại trường.

19/ Hỏi: Đội ngũ giảng viên của khoa Quản trị kinh doanh như thế nào?

Trả lời: Đội ngũ giảng viên của khoa quản trị kinh doanh có hơn 40 giảng viên cơ hữu, phần lớn là những giảng viên trẻ, nhiệt tình, năng động và sáng tạo, hơn 92% được đào tạo ở nước ngoài tại các trường đại học danh tiếng thuộc Úc, Mỹ, Anh, Đức… Ngoài ra còn có hơn 40 giảng viên cộng tác là những người được tuyển chọn gắt gao từ các trường đại học uy tín trên cả nước, ngoài ra, hơn 70% trong số đó là các nhà quản trị cấp cao của các công ty lớn, tập đoàn toàn cầu tham gia công tác giảng dạy nhằm cung cấp cho sinh viên môi trường học tập năng động.

 20/ Hỏi: Cơ hội học lấy bằng quốc tế như thế nào?

Trả lời: Sinh viên khoa Quản trị kinh doanh học 3 năm tại trường Đại học Mở TPHCM, có thể theo học 1 năm tại trường Worcester (Anh Quốc) để lấy bằng đại học của Đại học Worcester và Đại học Mở TPHCM. Ba năm đầu học tại trường Đại học Mở TPHCM đóng học phí theo mức thu thông thường đối với sinh viên của trường, năm thứ 4 học tại Anh Quốc đóng học phí theo học phí của trường Worcester. Ngoài ra tất cả các sinh viên của khoa Quản trị kinh doanh tham gia chương trình này đều nhận được học bổng hỗ trợ của trường Đại học Worcester. Đối với sinh viên tốt nghiệp Đại học Mở TPHCM, có thể theo học chương trình cao học trong vòng 1 năm của trường Đại học Worcester với mức học phí được miễn giảm hơn so với học phí của sinh viên quốc tế.

 

 

 

 

Viết bình luận của bạn