Việt Nam gia nhập AEC, TPP đòi hỏi các doanh nghiệp trong và ngoài nước có nhu cầu cao hơn về nguồn nhân lực - giỏi chuyên môn, thạo ngoại ngữ. Từ thực tế trên, trong những năm gần đây, khoa Quản Trị Kinh Doanh, trường Đại học Mở TPHCM đã cải cách chương trình và phương pháp đào tạo nhằm giúp sinh viên trang bị tốt các kiến thức, kỹ năng lẫn nâng cao trình độ tiếng anh, đáp ứng tối đa nhu cầu tuyển dụng hiện nay.
Chương trình đào tạo mới giúp sinh viên cải thiện kỹ năng tiếng anh
Buổi học Quảng Cáo vô cùng sôi nổi của sinh viên
Theo các chuyên gia tuyển dụng, một vấn đề nan giải lúc này của sinh viên mới ra trường là kỹ năng ngoại ngữ chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do hầu hết chương trình đào tạo của các trường đại học được biên soạn bằng tiếng việt, cộng thêm việc sinh viên không có nhiều cơ hội tiếp xúc với môi trường tiếng anh.
Chương trình đào tạo mới của khoa Quản trị kinh doanh đã giải quyết vấn đề này vô cùng hiệu quả. Bằng việc lồng ghép nhiều case study tiếng anh vào chương trình học, người học được tiếp cận với “tiếng anh thương mại” một cách thường xuyên, liên tục. Qua đó, khả năng về ngoại ngữ của họ được nâng cao rõ rệt.
Điển hình là lớp Quảng Cáo (ngành Marketing) của Th.s Nguyễn Ngọc Đan Thanh. Cô Thanh cho biết: “Trong các khóa gần đây, tôi đã đan xen nhiều case study tiếng anh vào giáo trình giảng dạy của mình. Tôi kỳ vọng rằng, điều này sẽ cải thiện kỹ năng ngoại ngữ đồng thời nâng cao tính sáng tạo, khả năng phân tích, xử lý tình huống của các em”.
Đào tạo thực tiễn – thành công song hành
Song song với việc cải thiện kỹ năng ngoại ngữ cho sinh viên thì chương trình đào tạo còn nhắm vào mục tiêu mang đến cho sinh viên những trải nghiệm thực tế ngay tại giảng đường đại học.
Thông qua rất nhiều các hoạt động nhóm, người học thường xuyên làm việc với các case study tiếng anh. Đó là những tình huống thực tế được các trường đại học uy tín trên thế giới áp dụng để giảng dạy cho sinh viên của họ. Đây thực sự là cơ hội, điều kiện rất tốt để sinh viên vận dụng ngay lý thuyết vừa học để những xử lý những vấn đề, tình huống trong thực tiễn. Điều này góp phần gia tăng hiệu quả đào tạo và chất lượng sinh viên đầu ra.
Là một trong những giảng viên tiên phong áp dụng chương trình đào tạo mới, cô Đan Thanh còn cho biết thêm: “Ban đầu, phần lớn sinh viên đều tỏ ra bỡ ngỡ, thậm chí gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau khi đã quen dần, sinh viên lại cảm thấy thích thú và có thái độ học tập năng động, tích cực hơn. Tôi rất vui vì điều này, bởi các em sẽ trưởng thành hơn, vững chãi hơn khi đối diện với những thách thức trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hóa như hiện nay”.
Khoa Vương