KHOA QUẢN TRỊ KINH DOANH - Where success begins

Tinh thần khởi nghiệp và ngành học Quản trị kinh doanh

Khoa QTKD 1 - 02/05/2016 - 0 bình luận

Thực tế cho thấy các ý tưởng khởi nghiệp, các doanh nghiệp khởi nghiệp và sự thành công của nó đóng vai trò rất quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế một quốc gia. Trong bài viết này chúng ta sẽ nghiên cứu về vai trò cũng như cách làm thế nào để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong xã hội, và nhìn rộng ra thế giới, chúng ta học hỏi được gì từ tinh thần khởi nghiệp của các quốc gia khác? Sau đó hãy suy ngẫm về những yếu tố cần thiết và những cách làm để khởi nghiệp thành công.

Phần 1: Tinh thần khởi nghiệp

Vào cuối năm 2014, Quốc hội đã thông qua hai đạo luật về doanh nghiệp và đầu tư theo hướng xác lập môi trường kinh doanh thông thoáng hơn. Chính phủ công bố kế hoạch hành động phát triển kinh tế tư nhân trong ba năm 2015-2017. Những thông điệp này không chỉ tiếp sức cho sự phát triển của các doanh nghiệp hiện có, mà còn góp phần khởi động làn sóng khởi nghiệp mới.

Có thể nói là kể từ khi Quốc hội ban hành Luật doanh nghiệp tư nhân năm 1990 đến nay, chúng ta đã đi được một chặng đường rất dài để có thể tổng kết hai trong số các yếu tố cốt lõi thúc đẩy kinh tế tư nhân, đó là thể chế và tinh thần khởi nghiệp. Về thể chế, chính phủ đã đưa ra chiến lược dài hạn để phát triển kinh tế tư nhân, đây là một sự khởi đầu hết sức tốt đẹp. Vậy còn tinh thần khởi nghiệp và vai trò của nó đến sự phát triển thành công của các doanh nghiệp?

Tinh thần khởi nghiệp, tạm dịch từ chữ “entrepreneurship” – được xem là ý muốn và năng lực xây dựng, tổ chức và quản lý một đơn vị sản xuất, kinh doanh, hay dịch vụ nhằm tạo ra lợi nhuận, với tinh thần dám chấp nhận rủi ro. Thành ngữ tiếng Việt có thể phản ánh sát tinh thần này là “dám làm dám chịu”. Khởi sự một doanh nghiệp mới đòi hỏi phải có tinh thần chịu trách nhiệm, dám chấp nhận và đương đầu. Đặc điểm của tinh thần khởi nghiệp là sự sáng tạo và dám chấp nhận rủi ro. Tục ngữ Việt Nam có câu “có chí làm quan có gan làm giàu”, “có gan” tức là có khả năng chịu đựng rủi ro và vượt qua nó.

Tinh thần khởi nghiệp có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong cuộc đời mỗi người nói chung, và trên thị trường kinh doanh nói riêng? Làm thế nào để vun đắp tinh thần này trong giới trẻ, đặc biệt là sinh viên, và chuẩn bị những kinh nghiệm cần thiết để sẵn sàng thể nghiệm mọi sự sáng tạo, đổi mới? Làm thế nào để quản lý được những rủi ro có thể xảy ra, dám đương đầu và vượt qua thách thức? Khả năng dự đoán trước, việc xây dựng chiến lược, phân tích mô hình kinh doanh, phân tích tình thế và bối cảnh, đánh giá rủi ro về mặt tài chính, đánh giá lợi thế cạnh tranh v.v. có ý nghĩa như thế nào trong việc hình dung rủi ro và khả năng vượt qua nó? Đây luôn là những câu hỏi lớn mà mỗi người chúng ta cần trả lời để chuẩn bị cho mình đủ tinh thần và năng lực khởi nghiệp.

Chúng ta hãy dành một chút thời gian để nói về tinh thần khởi nghiệp ở một số quốc gia. Mỹ được xem là một quốc gia tiêu biểu về tốc độ phát triển kinh tế nhanh và mạnh, trong đó có vai trò quan trọng của tinh thần khởi nghiệp.

Theo Quỹ Kauffman, một quỹ thúc đẩy tinh thần kinh doanh trên khắp thế giới, một trong những lý do khiến nước Mỹ đã vượt xa hơn tất cả các nước khác trên toàn thế giới, về tiềm lực phát triển, về sự sáng tạo và sức bật phá, về cơ hội việc làm, về công nghệ… đó chính là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, là khả năng khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ phát triển nhanh chóng như Amazon, Facebook hay eBay. Tại sao những tập đoàn đi lên từ những người sinh viên tốt nghiệp với trí tuệ và hai bàn tay trắng này chỉ xuất phát từ Mỹ? Theo Konrad Hilbers, cựu Giám đốc Điều hành của Napster, thì một trong những câu trả lời là vì Mỹ có một nền văn hóa kinh doanh dám chấp nhận rủi ro, khác biệt hoàn toàn với văn hóa kinh doanh ở một số quốc gia khác, chẳng hạn như châu Âu. Vì vậy tinh thần khởi nghiệp ở Mỹ được xem là cao hơn hẳn so với châu Âu.

Mặt khác, các điều khoản liên quan đến phá sản thật sự là một rào cản đối với nhiều doanh nghiệp. Chẳng hạn ở Đức, mất 6 năm để có thể xây dựng một doanh nghiệp mới sau khi phá sản; Pháp là 9 năm, thậm chí những doanh nhân phá sản của Đức có thể bị cấm suốt đời không được nằm trong ban điều hành cấp cao tại các công ty lớn. Ở các nước này, một doanh nghiệp thất bại thường để lại một vết nhơ lâu dài, giống như một sự thất bại về đạo đức.

Ưu thế khác nữa là về Luật Lao động. Các công ty tại Mỹ có thể cắt giảm nhân công rất nhanh khi cần thiết. Nhưng đây lại là khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp tại các nước khác. Chẳng hạn như ở châu Âu, thù lao đền bù thôi việc khá lớn (tương đương 6 tháng lương). Chi phí thôi việc lớn cũng gây cản trở các doanh nghiệp tuyển dụng các nhà quản lý chuyên nghiệp...

Theo Global Entrepreneurship Monitor, trong năm 2010, các doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ chiếm 2,3% dân số Ý, 4,2% của Đức và 5,8% của Pháp. Các nhà phân tích cho rằng, tinh thần khởi nghiệp tại các nước châu Âu thấp hơn rất nhiều so với 7,6% của Mỹ, 14% của Trung Quốc và 17% của Brazil.

Không chỉ ít về số lượng, các doanh nhân châu Âu cũng bi quan hơn về triển vọng của họ. Một nghiên cứu của Ernst & Young cho thấy, các doanh nhân Đức, Ý và Pháp đặt ít niềm tin vào việc kinh doanh tại đất nước mình. Rất ít doanh nhân Pháp nói rằng đất nước của họ có môi trường kinh doanh tốt nhất, trong khi 60% người Brazil, 42% người Nhật Bản và 70% người Canada nghĩ rằng không nơi nào tốt hơn là kinh doanh tại đất nước mình. Những con số này giải thích vì sao châu Âu lại có rất nhiều cửa hàng nhỏ chứ không phải là những đại siêu thị hoành tráng và các tập đoàn đa quốc gia lớn.

Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ khó khăn trong khởi nghiệp, mà châu Âu cũng gặp nhiều hạn chế để giúp các công ty phát triển trở thành các tập đoàn hùng mạnh. Theo một phân tích 500 công ty niêm yết lớn nhất thế giới của Bruegel, châu Âu có 12 công ty lớn trong thời gian từ năm 1950-2007, Mỹ có 52 công ty trong cùng thời kỳ.

Hiện tại, chính phủ các nước khác đã bắt đầu chú ý tới vấn đề cổ vũ tinh thần doanh nhân. Nhiều quốc gia xây dựng các đề án để thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, các chương trình giáo dục giúp học sinh làm quen với khái niệm kinh doanh. Chẳng hạn như Đức và các nước khác gần đây đã thiết lập các cơ quan nhà nước hậu thuẫn để tạo cơ chế giúp nhiều doanh nghiệp có thể lập nghiệp tại Silicon Valley. Thủ tướng Ý Mario Monti công bố sẽ làm giảm chi phí hành chính thành lập doanh nghiệp từ 10.000 euro xuống còn... 1 euro...

Liên hệ với Việt Nam, chi phí để thành lập doanh nghiệp là 650.000 đồng, và trong khoảng thời gian 1 tuần là có thể xin được giấy phép thành lập doanh nghiệp. Có thể thấy chúng ta có cơ chế tốt và hậu thuẫn cho làn sóng khởi nghiệp. Vấn đề còn là tinh thần khởi nghiệp của những người dấn thân trong thị trường kinh doanh và sức mạnh tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp Việt Nam, với lợi thế cạnh tranh của một quốc gia nhỏ và đang phát triển, có thể học hỏi gì từ các nước khác?

Theo giáo sư Shlomo Maital – người đã có 20 năm giảng dạy kinh tế tại trường MIT - nền kinh tế các quốc gia thường đi qua các giai đoạn: “cạnh tranh bằng lợi thế thiên nhiên”, đến “cạnh tranh bằng năng suất” và sau đó tiến tới “cạnh tranh bằng sáng tạo”. Hiện nay theo ông đánh giá thì các doanh nghiệp Việt Nam mới có lợi thế ở bậc thấp nhất“cạnh tranh nhờ lợi thế thiên nhiên”. Quan điểm của ông là Việt Nam không thể đi lần lượt qua từng giai đoạn, mà cần đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ trên cả ba giai đoạn.

Do vậy, đối với mỗi doanh nhân khởi nghiệp, cần phải khai thác tối đa các giá trị vô hình, đó là trí tuệ và sự sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới để không đánh mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường nội địa, đặc biệt là chú trọng phát triển lĩnh vực nông nghiệp và du lịch. Đồng thời, cần chú trọng lan tỏa tinh thần khởi nghiệp bằng cách khuyến khích, tạo điều kiện cho khởi nghiệp nhằm đem lại lợi nhuận và lợi ích xã hội.

Các doanh nhân Việt Nam cần có chiến lược gì và thực thi bằng cách nào để nhanh chóng vượt lên?

Lấy trường hợp Israel làm ví dụ. Năm 1981 tại Isreal, anh em nhà Zisapel đã lập công ty RAD Data Communications. Chủ tịch Yehuda Zisapel đã khởi xướng mô hình để các kỹ sư có công trình sáng tạo rời RAD ra mở công ty riêng, với hỗ trợ tư vấn và nhiều khi là cả tài chính từ RAD. Kết quả là 128 công ty đã ra đời, tạo thành khối liên kết với 15.000 nhân viên và hàng tỷ đô la xuất khẩu. Hay ví dụ về trường Đại học Technion đã tạo nên ngành công nghiệp công nghệ cao đẳng cấp quốc tế thông qua những cựu sinh viên của mình, và cứ 4 sinh viên tốt nghiệp Technion thì có 1 người khởi sự công ty của chính mình. Các chuyên gia cho rằng, để khởi nghiệp, trước hết cần phải xác định nhu cầu chưa được đáp ứng trên thị trường và thỏa mãn nhu cầu chưa được đáp ứng đó bằng sự sáng tạo của mình. Cuối cùng hãy thực thi và phát triển công ty của chính mình.

Trong cuốn sách “Quốc gia khởi nghiệp” của Saul Singer, Dan Senor. Một câu chuyện viết về sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Israel từ lúc lập quốc cho đến khi trở thành quốc gia có nền công nghệ hàng đầu thế giới. Chúng ta đều biết rằng Israel là một đất nước nhỏ bé với hơn 8 triệu dân, luôn phải đối phó với những cuộc chiến dữ dội từ sự thù địch của các nước lân cận, không chỉ giữ vững bờ cõi mà Israel còn tạo ra sự sáng tạo vượt bậc trong các lĩnh vực công nghệ, quân sự và dân sự. Ngày nay, Israel là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới và có lĩnh vực công nghệ phát triển không hề thua kém Thung lũng Silicon của Hoa Kỳ. Người ta nói về Israel như là những nông trang đầy hoa giữa sa mạc cát, một đất nước xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp từ những mảnh đất cằn khô.

Vậy đâu là nguyên nhân cho những thành công đáng kinh ngạc này? Đó chính là cá tính quyết liệt, dám thách thức và sáng tạo không ngừng của những con người Do Thái lưu vong, không cam chịu cuộc sống nghèo khó. Họ đã gây dựng và phát triển đất nước Israel bằng chính tinh thần khởi nghiệp, luôn hướng đến sự đổi mới sáng tạo và hướng đến một tương lai tươi sáng hơn. Họ đã khiến cả thế giới phải kinh ngạc.

Có điều khác biệt gì trong cách thức điều hành doanh nghiệp tại Israel không? Thông thường người ta ngại tuyển các lãnh đạo đã từng thất bại trên thương trường. Các doanh nghiệp ở Israel thì hoàn toàn khác hẳn, họ sẵn sàng tuyển những giám đốc đã từng thất bại, bởi họ cho rằng đó là những người hiểu rõ “nên làm gì và không nên làm gì”, họ học được bài học thành công từ sự thất bại của chính mình. Những người nhân viên trong các công ty ở đất nước này sẵn sàng tranh luận với lãnh đạo của mình, tự do nói ra những điều mình nghĩ, chất vấn lãnh đạo. Việc mọi người đều có quyền đưa ra ý kiến của mình là cách để duy trì trật tự. Người Israel rất trân trọng và lắng nghe ý kiến trái chiều. Văn hóa tranh luận luôn được khuyến khích. Việt Nam có câu “Chín người mười ý”. Còn ở Israel thì câu đó sẽ là “Hai người bốn ý”. Tức là, người Israel luôn có sẵn ít nhất 2 câu trả lời cho một vấn đề.

Đó cũng là lý do tại sao phương pháp giáo dục và hệ thống giáo dục của người Do Thái sẵn sàng để các em bé tự trải nghiệm sự thất bại của mình, họ khuyến khích các học sinh vấp ngã và cổ vũ những suy nghĩ độc lập và khác biệt. Lớn lên, các thanh niên Do Thái được khuyến khích lập ra các công ty, tự khởi nghiệp, dù thất bại họ vẫn vững lòng theo đuổi. Đó là cả một sự thay đổi lớn về tư tưởng xã hội. Mỗi năm, Israel có đến hàng nghìn công ty mới ra đời và tập trung rất nhiều vào lĩnh vực công nghệ hiện đại - vốn luôn chiếm lĩnh vị trí trung tâm của phát triển xã hội.

Có thể nói, tinh thần khởi nghiệp của người dân Việt Nam không phải tới bây giờ mới trỗi dậy. Tinh thần khởi nghiệp đã thể hiện đâu đó qua hình ảnh những người bán vé dạo, những chú bé đánh giầy, những bà bán bún gánh đầu ngõ, những cô hàng xôi sớm hôm bên hè phố… Họ tự tạo cơ hội cho bản thân, sẵn sàng nắm lấy cơ hội dù nhỏ nhất có được để nuôi sống mình bằng nghề, với một ý chí bền bỉ về sự mưu cầu thay đổi cuộc sống.

Để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trên thị trường kinh doanh, với sự hỗ trợ về thể chế từ phía chính phủ, chúng ta cần phổ biến rộng rãi tinh thần khởi nghiệp, mở rộng mạng lưới kết nối trong và ngoài nước, hướng tới sự khác biệt thông qua tối đa hóa giá trị, thiết lập chuẩn mực cao, vận hành xuất sắc và hướng tới công nghệ và sáng tạo. Và điều quan trọng duy trì tinh thần khởi nghiệp đi đến thành công là: tư tưởng dám chấp nhận rủi ro để khởi nghiệp, dám nghĩ tới điều khác biệt để bứt phá. Có thể nói, tương lai của một quốc gia chính là người dân. Và tinh thần khởi nghiệp của mỗi người dân trong xã hội là một yếu tố nhen nhóm sự thành công trên con đường phía trước.

Tinh thần khởi nghiệp, tinh thần vươn lên, dám chấp nhận rủi ro là yếu tố đầu tiên mang lại sự thành công. Nhận thức được điều này rất quan trọng. Và tiếp theo bạn sẽ hành động như thế nào? Bạn có thể làm gì để khởi nghiệp thành công trong thế giới kinh doanh đầy biến động ngày nay? Câu trả lời là chúng ta cần tư duy khác biệt để đối diện với những điều chưa biết, và chúng ta phải hành động sáng tạo trong thực tiễn bất định và tương lai khó dự đoán.

Nhìn vào cách mà Howard Schulltz đã khởi nghiệp Starbuck hay Sergey Brin và Larry Page đã sáng lập Google, hoặc Mark Zuckerberg thành lập Facebook, chúng ta sẽ thấy mỗi người đều khởi nghiệp công ty theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên khi nghiên cứu cách suy nghĩ của họ, người ta tìm thấy những điểm tương đồng lý thú trong cách lập luận, tiếp cận trở ngại, và tận dụng các cơ hội của họ. Khởi nghiệp không chỉ đơn giản và suôn sẻ là nêu ra ý tưởng, làm việc miệt mài để hoàn thiện nó rồi chuyển giao sản phẩm sáng tạo ấy ra thị trường. Cách làm điển hình của những người khởi nghiệp là: họ đưa ra ý tưởng; họ thực hiện một hành động nhỏ và khôn khéo; họ dừng lại xem xét mình học được gì khi thực hiện nó; nếu ý tưởng đó được thị trường chấp nhận, họ sẽ áp dụng hiểu biết đó vào hành động tiếp theo. Nếu không có được phản ứng mong muốn, họ sẽ tập hợp lại để thực hiện bước đi khác theo một hướng khác. Nói khác, họ: Hành động – Học từ hành động đó - Xây dựng kiến thức từ sự hiểu biết đó, để tiếp tục áp dụng vào Hành động tiếp theo. Chu kỳ này lặp lại cho đến khi doanh nhân thấy mình thành công hay biết rằng mình thất bại và quyết định tìm kiếm một cơ hội khác để theo đuổi.

Chuỗi Hành động – Học – Xây dựng và tiếp tục Hành động là điều khiến cho cách suy nghĩ của những doanh nhân trở nên khác biệt. Và cách họ suy nghĩ có tầm quan trọng rất lớn, góp phần thay đổi xã hội. Nếu bạn không thể dự đoán tương lai – và ngày càng khó để dự đoán nó – thì cách duy nhất bạn có thể làm được, đó là: Hành động. Khi đối mặt với thế giới bất định, những con người thông thường hoặc sẽ chọn cách đứng yên tại chỗ chỉ vì không biết phải làm gì, hoặc sẽ tiếp tục nghĩ rằng có thể dự đoán dễ dàng mọi chuyện trong tương lai, cho dù nó bất định đến đâu. Các doanh nhân thì hoàn toàn khác, họ tư duy và hành động theo tinh thần khởi nghiệp, đó là hành động sáng tạo – và điều này giúp xây dựng một thế giới tốt đẹp và lạc quan hơn.

Trong hành động sáng tạo, luôn tồn tại hai điều: sự không chắc chắn và mong muốn. Chúng ta đã biết nhiều về sự không chắc chắn. Vậy còn mong muốn? Đó là sự đam mê, khát vọng, tình yêu đối với công việc, với mơ ước khởi nghiệp. Cần có sự kiên trì, tận tâm, các doanh nhân thường rất tập trung vào điều họ làm và bỏ qua nhiều thứ khác. Mong muốn là nguồn lực then chốt nhất để khởi đầu một dự án mới, bởi nó tạo động lực để hành động, giúp chúng ta kiên trì và sáng tạo, đặc biệt khi đối diện với những trở ngại. Trước khi hành động, bạn cần biết mình muốn gì. Nếu không phát triển được mong muốn ấy, bạn sẽ không bao giờ thực hiện đến cùng ý tưởng của mình.

Các doanh nhân hành động sáng tạo không dành nhiều tháng hay nhiều năm để tập hợp các nguồn lực, họ thích khởi sự nhanh chóng nhất có thể. Khi biết rõ mình muốn gì, họ đánh giá các nguồn lực sẵn có thông qua các câu hỏi như: tôi là ai? tôi biết những gì? tôi biết những ai? Và nhanh chóng hành động với những gì có sẵn đó. Điều then chốt để tiến tới là phải hiểu thực tế, bạn có khả năng biến đổi thế giới, nhưng để làm điều đó, bạn cần hiểu thế giới lúc này đang ở đâu?

Trong quá trình hành động sáng tạo, việc đánh giá những tổn thất chấp nhận được là rất quan trọng. Bạn cần nắm rõ mình sẵn sàng chấp nhận rủi ro đến mức nào trước khi bắt đầu. Mục tiêu là chi phí càng thấp càng tốt. Và bạn cần từ bỏ ngay dự án nếu bạn phát hiện mình không còn muốn thực hiện nữa hay khi bạn tin nó vượt quá mức chấp nhận được của bạn.

Những yếu tố bất ngờ có thể mang lại nhiều cơ hội. Chuỗi khách sạn Mariott đã khởi đầu từ một quầy bar chỉ có 9 ghế. Cửa hàng Barney cực kỳ sang trọng và quy mô ở New York đã khởi đầu như một cửa hàng giảm giá, bán những hàng mẫu từ các phòng trưng bày, hàng tồn kho, thanh lý từ những phiên đấu giá và hàng thanh lý phá sản. Mặt khác, tất cả những bất ngờ không như mong muốn, thậm chí sự thất bại, cũng đều là nguồn lực hữu dụng của bạn. Và thái độ là điều then chốt, nếu bạn cho rằng mọi chuyện, ngay cả điều bất ngờ, là một món quà, thì nó sẽ là một món quà. Chào đón những trở ngại, chuyển nợ thành tài sản, chuyển vấn đề thành lợi thế, đây là kim chỉ nam cho các doanh nhân hành động sáng tạo.

Cuối cùng, thiết lập nguồn lực thông qua hợp tác là đặc biệt quan trọng. Có được nhiều người giúp sức là một nguồn lực tuyệt vời. Đó là lý do khiến bạn cần nhìn mọi người như một khách hàng hay người hợp tác tiềm năng. Làm thế nào bạn có thể mời gọi mọi người cùng tham gia ý tưởng của mình và bạn có thể làm gì khi họ cộng tác cùng bạn? Câu trả lời là bạn cần thể hiện sự nhiệt huyết, tận tâm và theo đuổi ý tưởng của mình, cần trung thực về tầm nhìn cũng như các giá trị và đề nghị người cùng hợp tác thực hiện một vai trò hay hành động nào đó vì lợi ích của cả đôi bên.

Việc khởi sự một công ty là điều bất định lớn nhất. Những người khởi nghiệp thành công - họ luôn tìm cách vươn lên và đạt kết quả tốt nhất trong môi trường bất định. Họ không chỉ suy nghĩ một cách khác biệt, mà còn hành động một cách khác biệt. Có thể nói, suy nghĩ khác biệt rất quan trọng, nhưng nếu chúng ta không hành động thì sẽ chẳng có điều gì xảy ra. Các doanh nhân thành đạt hành động sáng tạo, bởi vì tương lai không giống quá khứ, và chúng ta có thể định hình (tức là sáng tạo) tương lai.

 

Phần 2: Học Quản trị kinh doanh để khởi nghiệp thành công

Trong phần này sẽ đề cập đến việc làm sao để khởi nghiệp thành công và vai trò của trường đại học đào tạo về quản trị kinh doanh.

Có thể nói, các chương trình giáo dục đại học ở Việt Nam thường ít dạy cho sinh viên tinh thần mạo hiểm và sẵn sàng với rủi ro. Người ta cho rằng mục tiêu của việc học là có được tấm bằng nhằm tìm được chỗ làm phù hợp, một công việc ổn định, có thu nhập đủ để sống, hoặc cao hơn thì cũng vươn tới các tập đoàn lớn, nhưng vẫn là những người đi làm thuê. Tinh thần khởi nghiệp nhấn mạnh vào việc thúc đẩy mỗi cá nhân vươn lên tự tạo dựng sự nghiệp cho mình bằng một tinh thần sáng tạo và chấp nhận thử thách, rủi ro. Một số bạn sinh viên đã khởi nghiệp thành công ngay sau khi ra trường, hoặc thậm chí ngay khi còn trên ghế nhà trường. Điều gì làm nên sự khác biệt? Chính là tinh thần dám chấp nhận rủi ro, tinh thần khởi nghiệp với ý chí quyết tâm tạo dựng sự nghiệp cho mình và đóng góp cho xã hội.

Nhu cầu nhân lực trên thị trường đối với nhóm ngành Quản trị kinh doanh hiện nay đòi hỏi rất cao về chất lượng. Doanh nghiệp luôn cần nguồn vốn nhân lực có chất lượng, tài năng và phải phù hợp với doanh nghiệp, không phải chỉ kiến thức, mà kỹ năng làm việc, đặc biệt là thái độ ứng xử. Kiến thức có thể được bổ sung theo thời gian, kỹ năng có thể được huấn luyện qua thực tiễn, nhưng thái độ và nhận thức cần được xác định đúng đắn ngay từ ban đầu, và đó là gốc rễ của mọi vấn đề. Hiện nay nhu cầu khởi nghiệp là 1 nhu cầu khá lớn. Với các bạn trẻ có tinh thần khởi nghiệp, đặc biệt là các bạn sinh viên mới tốt nghiệp, thì năng lực làm việc, sự cam kết, và tinh thần cống hiến là đặc biệt quan trọng và cần thiết.

Quản trị kinh doanh có thể được hiểu là một ngành học làm gia tăng khả năng thành công của mỗi người trong xã hội. Không học quản trị kinh doanh, bạn có thể mất 3 - 5 năm để khởi nghiệp thành công, nhưng với kiến thức quản trị kinh doanh được trang bị ở trường đại học, bạn sẽ rút ngắn thời gian đi tới sự thành công.

Những doanh nhân khởi nghiệp, họ luôn phải đối mặt với các khó khăn của thực tiễn đa dạng và cạnh tranh gay gắt toàn cầu, những thách thức mà trong thực tế không có trường nào dạy được hết mọi vấn đề. Ở góc độ 1 trường đào tạo về QTKD, chúng tôi nghĩ rằng vai trò của nhà trường là ko chỉ đào tạo giỏi về kinh doanh và quản trị, để người sinh viên có năng lực, mà cần phải có đạo đức nghề nghiệp, có nhận thức đúng đắn và tinh thần khởi nghiệp. Chúng tôi hướng tới việc đào tạo nguồn lực góp phần thay đổi xã hội, giúp doanh nghiệp đổi mới.

Tại khoa QTKD trường ĐH Mở TPHCM, chúng tôi luôn nói với sinh viên: “Các bạn hãy nhìn những nhà quản trị hay doanh nhân thành công, họ là ai?” Họ luôn có một điểm chung, đó là những người có đam mê, tâm huyết với nghề, họ làm việc nghiêm túc, có tinh thần dấn thân và luôn cam kết.

Đến đây có thể bạn sẽ hỏi, để khởi nghiệp thành công, ngoài ý chí quyết tâm và tinh thần chấp nhận rủi ro thì còn đòi hỏi điều kiện gì khác nữa? Câu trả lời là khả năng tiếp cận và hiểu biết thực tiễn về thị trường, về khách hàng. Mặt khác, khả năng làm việc với con người, bao gồm nhân viên, đối tác, khách hàng cũng rất quan trọng, thể hiện thông qua kỹ năng giao tiếp hiệu quả, làm việc đồng đội, làm việc nhóm, xử lý xung đột. Các kỹ năng làm việc chuyên nghiệp cần được trang bị, VD như quản lý thời gian, tư duy hướng chiến lược, tư duy sáng tạo… Ngoài ra, việc rèn luyện đạo đức, hệ thống giá trị để phát triển lâu dài và bền vững là vấn đề cốt lõi cần được xem xét.

Khoa QTKD của trường ĐHM TPHCM là nơi đầu tiên đào tạo về QTKD tại khu vực phía nam, từ những năm 1990. Sứ mệnh của Khoa không phải là chỉ đào tạo ra các sinh viên đi tìm việc làm, mà chúng tôi luôn trăn trở với suy nghĩ làm sao tạo ra nguồn lực góp phần thay đổi xã hội, giúp doanh nghiệp đổi mới, và quan trọng hơn cả là khởi nghiệp kinh doanh.

Chính vì vậy, chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng ứng dụng, chú trọng rèn luyện kỹ năng mềm và các cơ hội trải nghiệm cho sinh viên thông qua các khóa học về kỹ năng mềm, các hoạt động đội nhóm, các chuyến tham quan doanh nghiệp, các học kỳ kiến tập và thực tập, các buổi báo cáo chuyên đề về các vấn đề nóng trong ngành nghề và thị trường.

Với nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp và khát vọng mang lại giá trị cho bản thân, cho doanh nghiệp và cho xã hội, chắc chắn chúng ta sẽ thành công. Không phải chỉ là khắc phục khó khăn và thích nghi với hoàn cảnh để khởi nghiệp thành công, trở thành nguồn lực chất lượng cao mà hơn thế nữa, vượt lên chính mình, dẫn dắt sự thay đổi và đóng góp nhiều giá trị cho xã hội.