KHOA QUẢN TRỊ KINH DOANH - Where success begins

MARKETING – MỘT LỰA CHỌN THÔNG MINH

Nguyễn Ngọc Thông - 02/05/2016 - 0 bình luận

Bạn chọn nghề nào? Bạn muốn những sự trải nghiệm mới mẻ, sáng tạo? Bạn muốn mang lại năng lượng cho cuộc sống? Bạn muốn là người luôn đi đầu, dẫn dắt xã hội?

Định hướng và lựa chọn nghề nghiệp?

Đây là một trong những quyết định quan trọng trong cuộc đời của mỗi người, nhất là các bạn trẻ chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa cao đẳng, đại học và tìm kiếm công việc tốt sau khi ra trường. Để trả lời thấu đáo và cặn kẽ cho chính bản thân, các bạn hãy tự hỏi chính mình những câu hỏi sau:

  • Tôi có điểm mạnh và điểm yếu gì trong học tập, kỹ năng tôi có, sở thích tôi muốn?
  • Tôi muốn trở thành là người thế nào và mục tiêu cuộc đời là gì?
  • Ngành nghề hợp với cá tính, hoàn cảnh, sức khỏe của tôi phải như thế nào?
  • Xu thế thị trường và cơ hội nghề nghiệp trong tương lai?

Trong những năm qua, sự quan tâm của toàn xã hội cho giáo dục; sự kết nối tích cực của lãnh đạo, thầy cô trong nhà trường, nhà tuyển dụng trong các doanh nghiệp và những tổ chức đoàn thể (Hội sinh viên, Đoàn thanh niên, Hội khuyến học, quỹ học bổng, câu lạc bộ,..) đã hỗ trợ và tư vấn nghề nghiệp rất tốt cho nhiều thế hệ học sinh- sinh viên Việt Nam, đem lại kết quả khả quan cho chất lượng giáo dục, cung ứng nguồn nhân lực và phát triển nền kinh tế nước nhà. Trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đã và đang hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ trong “cuộc chơi chung” của thị trường kinh tế khu vực và thế giới, tiêu biểu là sự kiện Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định chung Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Chính xu thế phát triển đó, những phân tích từ các tổ chức khảo sát, đánh giá nguồn nhân lực đã dự báo cơ hội nghề nghiệp cho các bạn trẻ trong tương lai. Theo kết quả nghiên cứu trong năm 2015-2016 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, thì ngành truyền thông – quảng cáo – marketing có tỷ lệ thu hút nhiều lao động thứ 2 sau ngành dịch vụ tại Tp. Hồ Chí Minh

Với nhu cầu thị trường và xu thế phát triển hiện tại, ngành học Marketing đã trở thành một ngành học thu hút đối với rất nhiều bạn trẻ khi lựa chọn học tại Trường Đại học Mở TPHCM, với sự trông đợi về tương lai phát triển và nghề nghiệp tốt sau khi tốt nghiệp.

Chương trình giảng dạy?

Một cách ngắn gọn và chính xác nhất, GS. Philip Kotler (Giáo sư Marketing nổi tiếng nhất thế giới – “cha đẻ” của Marketing hiện đại) cho rằng: “Marketing là quá trình tạo dựng các giá trị từ khách hàng và mối quan hệ thân thiết với khách hàng nhằm mục đích thu về giá trị lợi ích cho doanh nghiệp, tổ chức từ những giá trị đã được tạo ra”.

Trong chương trình giảng dạy, bên cạnh những môn học bắt buộc chung cho hệ đại học, chúng ta sẽ được học từ cơ bản đến chuyên sâu trong những môn chuyên ngành liên quan đến kinh doanh, marketing. Từ môn Marketing căn bản, quản trị bán hàng; tiếp đến môn quản trị marketing, nghiên cứu marketing, hành vi tổ chức, hành vi khách hàng; xa hơn nữa là marketing quốc tế, quản trị thương hiệu, quản trị chiến lược, quản trị kênh phân phối, marketing dịch vụ, PR, quảng cáo, truyền thông tích hợp, thương mại điện tử và nghiên cứu phát triển sản phẩm mới RD. Bên cạnh đó, nhà trường còn chú trọng áp dụng mô hình đào tạo liên kết với các đối tác, sinh viên có cơ hội tiếp cận với môi trường thực tế thông qua kiến tập và thực tập tại các doanh nghiệp. Không những thế, những chia sẻ từ các doanh nhân, chuyên gia hàng đầu trong buổi hội thảo chuyên đề, định hướng nghề nghiệp, những suất học bổng du học hay hoạt động câu lạc bộ O- marketing của Khoa sẽ giúp các bạn sinh viên có cái nhìn toàn diện và sâu rộng về nghề nghiệp sau này. Sự rèn luyện, tham gia kỹ năng mềm (Tin học, ngoại ngữ, giao tiếp,..) của bản thân sẽ giúp chúng ta có thể lĩnh hội, vận dụng và cơ hội công việc tốt sau khi ra trường.

Cơ hội nghề nghiệp đối với các bạn học chuyên ngành marketing?

  • Nhân viên làm việc ở phòng xuất nhập khẩu, giao nhận của các doanh nghiệp tư nhân, trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần trong nước.
  • Nhân viên kinh doanh, nhân viên marketing, nhân viên tài chính, nhân viên nhân sự ở các công ty đa quốc gia, chi nhánh văn phòng đại diện nước ngoài.
  • Tự tạo lập doanh nghiệp, hoặc tự tìm kiếm cơ hội kinh doanh riêng trong môi trường quốc tế, hội nhập toàn cầu.
  • Cán bộ nghiên cứu, giảng viên về quản trị kinh doanh quốc tế, marketing tại các viện nghiên cứu, các trường đại học/cao đẳng.
  • Chuyên viên nghiên cứu marketing tại các công ty nghiên cứu thị trường.
  • Chuyên viên tổ chức sự kiện, quảng cáo & khuyến mãi tại các công ty dịch vụ marketing.

Marketing được xem là ngành dễ xin việc hiện nay. Do xu thế toàn cầu hóa, hầu hết các công ty từ sản xuất đến dịch vụ đều cần đội ngũ nhân viên tiếp thị để giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh với thị trường. Thêm vào đó, Việt Nam đang phát triển mạnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó, các doanh nghiệp này đều buôn bán, kinh doanh nên cũng cần tuyển nhân viên marketing. Quan sát trên thị trường nguồn nhân lực, gần 50% bản tin tuyển người ở Việt Nam hiện nay dành cho những vị trí thuộc lĩnh vực Marketing. Cơ hội thăng tiến ở nghề này là rất cao, có đến 30% vị trí quản lý cao cấp trong doanh nghiệp được nắm giữ bởi những người từng ở các vị trí khác nhau thuộc ngành Marketing. Tính riêng tại TP.HCM, giai đoạn 2014-2020, nhu cầu nhân lực các nhóm ngành Kinh tế – Quản trị – Marketing – XNK – Logistics sẽ chiếm tỷ trọng 10% tổng nhu cầu nhân lực, khoảng 25.000 việc làm trong 1 năm. Tuy nhiên, phải có sức khỏe và năng lực làm việc chịu được áp lực thì mới phát triển tốt trong ngành nghề này. Nghề marketing đòi hỏi cao về sự nhanh nhẹn, sáng tạo, thực tiễn trong hoạt động tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm; để khai thác thị trường còn đòi hỏi phải tìm hiểu sâu về sản xuất, bán hàng, sản phẩm, tâm lý giao tiếp, kiến thức xã hội, sự bền bỉ trong công việc, mối quan hệ.

Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, Internet… thì những người làm marketing càng đóng vai trò quan trọng trong sự tiếp cận khách hàng, thay thế hoàn toàn cách làm marketing truyền thống. Hiện nay, lĩnh vực marketing gồm nhiều mảng như marketing online, mạng xã hội, email,... thêm vào đó là nhiều hình thức mới như Video tutorials,… Những nhân viên kinh doanh kiểu truyền thống sẽ được thay thế bằng các chuyên gia vừa am hiểu kinh doanh vừa thành thạo công nghệ thông tin. Thị trường lao động sẽ chủ yếu là các e-businessmen và e-banker.

Trong hoạt động marketing, có bộ phận chuyên tổ chức sự kiện là nghề thực sự “bùng nổ” với những chương trình diễn ra ngày càng nhiều và hoành tráng. Các bạn trẻ khi phụ trách công việc này cũng phải đảm nhiệm “lộ trình” như một nhân viên tổ chức sự kiện: lên ý tưởng, viết đề án, xin tài trợ, lên nội dung cụ thể, tìm địa điểm tổ chức, dự trù kinh phí, PR ...

Từ những thông tin vừa chia sẻ, tin chắc rằng các bạn đã tìm ra lời giải cho câu hỏi của chính mình. Khởi nghiệp thành công trong nghề Marketing hoàn toàn nằm trong tầm tay những ai có đam mê, nghị lực và sự tự tin. Tương lai sự nghiệp của bạn chỉ có một con đường, và marketing là một lựa chọn thông minh trên con đường ấy.

Chúc các bạn thành công.