KHOA QUẢN TRỊ KINH DOANH - Where success begins

GIỚI THIỆU NGÀNH DU LỊCH

Nguyen Thi Thu Thao - 10/05/2021 - 0 bình luận

GIỚI THIỆU NGÀNH DU LỊCH

Trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập sâu rộng toàn cầu hiện nay, nghề Du Lịch là một nghề thu hút, có nhu cầu việc làm cao trong xã hội.

Ngày 20/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 147/Qđ-TTg ban hành Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Trong văn bản này đã xác định mục tiêu đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp trong khu vực, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường; phát triển du lịch bền vững; chú trọng phát triển du lịch văn hóa, chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao...

Về phát triển nguồn nhân lực du lịch: Hiện tại, cả nước có trên 1,3 triệu lao động du lịch và liên quan, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước, trong đó có khoảng 420.000 lao động trực tiếp làm việc trong các cơ sở dịch vụ du lịch. Cơ cấu lao động ngành với 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ qua huấn luyện tại chỗ. Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Tại TP. Hồ Chí Minh, qua khảo sát thấy rằng có hơn 50 trường đào tạo các chuyên ngành về du lịch nhưng chỉ đáp ứng được 60% so với nhu cầu. Chính vì vậy, trên thực tế Thành phố vẫn thiếu nguồn nhân lực du lịch đáng kể.

Việc đào tạo ngành Du lịch là góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, của các đoàn thể xã hội, cá nhân và gia đình, giúp cho các chủ thể trong nền kinh tế hoạt động có hiệu quả, có chính sách, chiến lược phát triển, qua đó phục vụ tốt cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là cơ sở để Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh mở ngành Du lịch bậc đại học.

Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng chương trình đào tạo ngành Du lịch bậc đại học đảm bảo chất lượng sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được nhu cầu của xã hội, thực hiện chiến lược đổi mới giáo dục, đào tạo gắn liền với nhu cầu của xã hội theo chủ trương chung của nhà trường nói riêng và của Bộ Giáo dục và Đào tạo nói chung.

1. Thông tin tổng quát

Ngành đào tạo:                             Du lịch

Ngành đào tạo tiếng Anh:            Tourism

Mã ngành:                                    7810101

Trình độ đào tạo:                          Đại học

Hình thức đào tạo:                        Chính quy, tập trung

Thời gian đào tạo:                         4 năm

Khối lượng kiến thức toàn khóa:  125 tín chỉ

Văn bằng tốt nghiệp:                     Cử nhân

2. Mục tiêu đào tạo

Mục Tiêu Chung

Đào tạo cử nhân ngành Du lịch có phẩm chất chính trị, tư tưởng tốt; Có năng lực chuyên môn, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp tốt; Có kiến thức tổng quát về tự nhiên, văn hóa, xã hội, kinh tế liên quan đến du lịch, lữ hành; Có kiến thức chuyên sâu về hoạt động quản lý nhà nước của ngành du lịch, về nghiệp vụ của doanh nghiệp du lịch, của các bên liên quan; Có ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm trong công việc.

Mục Tiêu Cụ Thể

»Về kiến thức: Trang bị kiến thức nền tảng về tự nhiên, xã hội và con người để phục vụ cho phát triển nghề nghiệp và tự hoàn thiện bản thân. Có kiến thức tổng quát của ngành du lịch để đáp ứng yêu cầu tiếp thu các kiến thức giáo dục chuyên nghiệp và khả năng học tập ở trình độ cao hơn. Có kiến thức và trình độ chuyên môn cao về ngành du lịch, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của hoạt động tổ chức kinh doanh lữ hành và tổ chức các dịch vụ du lịch, quản lý nhà nước về du lịch.

»Về kỹ năng: Giúp người học phát triển kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và kỹ năng giao tiếp ứng xử cần thiết thuộc lĩnh vực du lịch lữ hành để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn tương xứng với vị trí nghề nghiệp.

»Mức độ tự chủ và trách nhiệm: đào tạo năng lực làm việc độc lập hoặc theo nhóm trong điều kiện làm việc thay đổi, chịu trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm với nhóm trong việc hướng dẫn, truyền bá, phổ biến kiến thức thuộc ngành du lịch và giám sát người khác thực hiện nhiệm vụ. Giúp người học xây dựng ý thức trách nhiệm với cộng đồng, ý thức phục vụ đất nước và đạo đức nghề nghiệp.

3. Vị trí làm việc sau khi tốt nghiệp     

Người học sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các vị trí việc làm sau:

»Vị trí làm việc 1: Hướng dẫn viên du lịch; Chuyên viên thiết kế và điều hành chương trình du lịch nội địa và quốc tế; Chuyên viên kinh doanh; Nghiên cứu các sản phẩm dịch vụ du lịch tại các công ty du lịch lữ hành; Các vị trí công việc như chuyên viên kinh doanh trong các lĩnh vực liên quan như khối lưu trữ, hành không, công ty tổ chức sự kiện.

»Ví trị làm việc 2: Tham gia công tác giảng dạy, nghiên cứu và các công việc liên quan tại các trường Cao đẳng, đại học.

Mức học phí bình quân dự kiến năm học 2021-2022:  ~20,5 triệu đồng/năm học

Trong những năm qua chúng tôi đã không ngừng nỗ lực cải cách và phát triển nâng cao chất lượng chương trình dạy và học, tính thực hành luôn được đề cao thông qua những chuyến field trips được tổ chức thường xuyên; các hoạt động học thuật như nghiên cứu khoa học, các cuộc thi chuyên môn, các hội thảo trong nước và quốc tế; trao đổi giảng viên…luôn được chú trọng thực hiện.

Năm 2020 chúng tôi chính thức thành lập Câu lạc bộ Du lịch - sân chơi thú vị cho sinh viên và là nơi để các em được học hỏi trao đổi chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia và các doanh nghiệp du lịch; Bên cạnh đó các thỏa thuận hợp tác với Doanh Nghiệp trong ngành Du lịch cũng được ký kết nhằm thúc đẩy hoạt động thực hành cho sinh viên được hiệu quả hơn.