KHOA QUẢN TRỊ KINH DOANH - Where success begins

ĐỊNH HƯỚNG NGÀNH NGHỀ TRONG DU LỊCH

Vu Truong Giang - 10/05/2021 - 0 bình luận

Nhắc đến ngành quản trị du lịch lữ hành có thể bạn sẽ nghĩ ngay đến cụm từ Hướng dẫn viên du lịch. Tuy nhiên xét trên góc độ doanh nghiệp, du lịch bao gồm rất nhiều khâu và mỗi khâu lại đảm nhận những công việc hoàn toàn khác nhau, trong đó Hướng dẫn viên du lịch chỉ là một phần rất nhỏ trong vô số các công việc có thể làm tại ngành này. Về cơ bản du lịch có 7 nhóm việc chính sau:

1. Quản lý du lịch

Trái ngược với hướng dẫn viên du lịch, những người quản lý du lịch chủ yếu làm việc trong văn phòng với các báo cáo, đề án, hồ sơ… Bên cạnh đó họ cũng chịu trách nhiệm trong việc gặp gỡ đối tác, tham dự hội thảo, tham gia các đợt quảng bá du lịch, đến nhiều nơi để tham quan, khảo sát, học hỏi, áp dụng kiến thức cho doanh nghiệp mình. Chính vì vậy những nhà quản lý du lịch thường có mối quan hệ rộng, am hiểu và có kỹ năng giao tiếp tốt. Có thể nói đây là công việc của những người có năng lực quản lý và hiểu biết sâu rộng về du lịch.

Với các nhà quản lý doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ du lịch, tài nguyên du lịch (ví dụ như Quản lý nhà hàng, khách sạn…), ngoài kiến thức chung về du lịch và quản lý, họ còn cần có chuyên môn trong từng lĩnh vực cụ thể để lãnh đạo nhân viên và các bộ phận dưới quyền.

2. Điều hành du lịch

Nhiệm vụ chính của những người điều hành du lịch (ví dụ Điều hành tour,...) là phân công việc cho các hướng dẫn viên, tiếp nhận thông tin từ các chương trình du lịch về yêu cầu của khách, những vấn đề phát sinh trong tour để phối hợp với các bộ phận và cơ quan chức năng giải quyết, đồng thời nhận và giải quyết những khiếu nại của khách sau khi tour kết thúc. Bên cạnh đó họ còn có nhiệm vụ điều phối những người điều khiển phương tiện đưa đón và phục vụ khách (nếu có).

Mặc dù người điều hành du lịch chủ yếu làm việc trong văn phòng thoải mái nhưng hay phải chịu áp lực khá lớn với lượng thông tin khổng lồ đổ về từ các tour, đặc biệt là trong mùa cao điểm du lịch.

3. Nhân viên marketing du lịch

Nhân viên marketing du lịch là những người đảm nhận công việc nghiên cứu thị trường du lịch, tìm hiểu nhu cầu của khách cũng như những gì doanh nghiệp mình đã làm và cần làm để có hướng phát triển phù hợp, vừa đáp ứng đúng sản phẩm cần thiết, vừa thu lợi nhuận cao, giảm thiểu những rủi ro không mong muốn.

Bên cạnh đó, họ cũng tiến hành các nghiên cứu thị trường khác theo yêu cầu của nhà quản lý, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng chương trình quảng bá cho từng sản phẩm du lịch với các mức giá cả, chất lượng để khách hàng dễ tiếp cận và chọn lựa.

Công việc này đòi hỏi sự di chuyển thường xuyên để giao dịch với khách hàng, đối tác nên phù hợp với những bạn trẻ năng động. Cũng giống như nhiều lĩnh vực khác, marketing đang chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong các doanh nghiệp du lịch vì thị hiếu, tâm lý khách hàng ngày một phức tạp và thị trường trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết. Hơn nữa với công việc này, những bạn học về marketing (mà không phải ngành du lịch) cũng có thể làm được, chỉ cần có sự nhanh nhạy và đam mê khám phá thị trường du lịch.

4. Kế toán lữ hành

Công việc kế toán lữ hành chủ yếu là lên kế hoạch chi phí, dự chi ngân sách, kiểm duyệt các khoản chi trong tour, lập danh sách khách du lịch, kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ liên quan đến tour, quản lý, theo dõi tour và thu thập các chứng từ liên quan… Từ đó lập các báo cáo về chi phí, hiệu quả tour và quyết toán thuế của doanh nghiệp vào cuối kỳ.

Công việc này đòi hỏi không chỉ chuyên môn về du lịch mà còn cả kế toán và khả năng làm việc linh hoạt, chính xác với các con số, vì chỉ cần một sai sót nhỏ thôi cũng có thể ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp. Tuy nhiên với những bạn đã có sẵn niềm yêu thích với ngành kế toán, làm việc trong lĩnh vực du lịch rất thú vị và đáng để thử thách bản thân.

5. Hướng dẫn viên du lịch

Đây chính là công việc hay được các bạn nghĩ đến đầu tiên khi nhắc đến ngành du lịch. Nhiệm vụ chính của một hướng dẫn viên du lịch là đón tiếp khách, tổ chức các hoạt động du lịch theo yêu cầu, giới thiệu (hoặc liên hệ với người giới thiệu) tại các điểm du lịch, quản lý việc ăn, nghỉ, đi lại và đảm bảo sự an toàn cho khách trong suốt chuyến đi, trực tiếp giải quyết các vấn đề phát sinh hoặc báo về trung tâm để được hướng dẫn…

Hướng dẫn viên du lịch không cần ngoại hình quá xuất sắc, quan trọng nhất vẫn là kiến thức chuyên môn vững vàng, hiểu biết sâu rộng, khả năng giao tiếp, giải quyết vấn đề tốt, sức khỏe dẻo dai và tâm lý ổn định.

Hướng dẫn viên du lịch có thể làm việc cho các công ty du lịch, các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh lữ hành, các đơn vị quản lý tài nguyên du lịch hay các trung tâm nghiên cứu, ban quản lý di tích, danh thắng, vườn quốc gia hay khu bảo tồn thiên nhiên.

6. Nhân viên lễ tân

Công việc chính của nhân viên lễ tân là nhận điện thoại, trả lời các thông tin liên quan đến doanh nghiệp mình, tiếp đón khách, nhận thông tin về yêu cầu của khách, kiểm tra xem các dịch vụ có đáp ứng đúng yêu cầu của khách không và giúp khách trong các việc điện thoại, nhận và ký gửi đồ, thanh toán… Những công việc này đều yêu cầu nghiệp vụ và hành vi ứng xử theo các nguyên tắc giao tiếp quốc tế nhất định và phù hợp.

Nhân viên lễ tân thường yêu cầu ngoại hình ưa nhìn, nhanh nhạy, nghe hiểu đúng thông tin từ khách, giao tiếp chính xác, rõ ràng, khéo léo, và đặc biệt là phải biết ít nhất một ngoại ngữ để đón tiếp khách nước ngoài.

Sau khi chứng minh được năng lực và có đủ kinh nghiệm, bạn có thể thăng tiến lên chức vụ quản lý lễ tân, chịu toàn bộ trách nhiệm về các vấn đề ở bộ phận lễ tân.

7. Phục vụ bàn, bar, buồng, bếp

Thông thường các bữa ăn, bữa tiệc tại nhà hàng, khách sạn đều do các nhân viên phục vụ bàn, bếp, bar đảm nhận. Một bàn tiệc trong nhà hàng, khách sạn không chỉ phải thể hiện sự sang trọng, chuẩn mực của bài trí, sắp xếp, mà trình tự phục vụ khách cũng phải khéo léo, hấp dẫn, thể hiện cả chiều sâu văn hóa lẫn mục đích của bữa tiệc. Màu sắc, hương vị từng món ăn, nghệ thuật phục vụ, cho đến từng đoá hoa bài trí trên bàn tiệc, từng nếp gấp tinh tế của chiếc khăn ăn như chúng ta thấy đều là kết quả công việc của những nhân viên phục vụ, nhân viên pha chế và các đầu bếp.

Bên cạnh đó công việc buồng phòng cũng không hề đơn giản. Các buồng, phòng, nhất là những nơi đạt tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi rất nghiêm ngặt về sự sạch sẽ, thoáng mát cùng cách sắp đặt hợp lý, có thẩm mỹ, thậm chí là theo “gu” của từng đối tượng khách. Không chỉ vậy, nhân viên buồng phòng còn phải kịp thời và nhanh chóng phục vụ khách, hướng dẫn khách tận tình.

Ngoài ra, trong ngành du lịch còn nhiều công việc khác như chăm sóc khách hàng, chăm sóc sức khỏe, bán hàng lưu niệm, tổ chức vui chơi giải trí, đảm bảo an ninh tại các khu du lịch, nhân viên bảo trì hệ thống, giáo dục môi trường du lịch, nghiên cứu, giảng dạy trong các cơ sở đào tạo du lịch…