KHOA QUẢN TRỊ KINH DOANH - Where success begins

DU LỊCH

Vu Truong Giang - 10/05/2021 - 0 bình luận

Định nghĩa về ngành du lịch

Hiện nay, ngành du lịch đang phát triển rất nhiều sau 61 năm kể từ năm 1960. Ngành du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, bao gồm nhiều nhóm ngành – nghề có nhiệm vụ đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tổ chức, đơn vị nghiên cứu, kinh doanh dịch vụ du lịch hay các lĩnh vực liên quan trong và ngoài nước. Chủ yếu là công ty lữ hành, khách sạn, nhà hàng…

Ngành này ra đời nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu tham quan, ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí của khách du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh điểm đến, nâng cao dân trí, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Hiện nay có các nhóm ngành du lịch:

• Quản lý, điều hành du lịch

• Nhân viên phục vụ khách

• Hướng dẫn viên du lịch

• Nhân viên Marketing du lịch

• Các nhóm ngành khác

Mỗi nhóm ngành tuy có vẻ rời rạc nhưng đó đều là những mắt xích quan trọng trong hệ thống điều hành và hoạt động của du lịch.

Sau khi học xong, ngành Du lịch sẽ cung cấp cho các học viên những kiến thức và kỹ năng mềm khi làm việc vì đây là ngành làm việc với con người nên những kỹ năng ấy lại càng quan trọng hơn như:

• Kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Việt và cả ngoại ngữ

• Kỹ năng thuyết trình trước đám đông.

• Kỹ năng làm chủ cảm xúc.

• Kỹ năng quan sát.

• Tổ chức sắp xếp.

• Kỹ năng xử lý tình huống.

Tiềm năng và sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch

Theo thống kê, Việt Nam đứng thứ 32 toàn cầu về số lượng và sự hấp dẫn của tài nguyên thiên nhiên, văn hoá với 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận. Theo ông Lê Quang Tùng - Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Chính phủ đang ưu tiên du lịch thành kinh tế mũi nhọn tạo động lực cho các ngành khác. Năm 2018, Việt Nam đón gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế, thu 620.000 tỷ đồng chiếm 8% GDP (từ 328.000 tỷ đồng năm 2015). Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Ngô Văn Tuấn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, trong 3 năm trở lại đây, ngành du lịch đang thể hiện sự tăng trưởng mạnh mẽ khi số lượt khách du lịch quốc tế không ngừng gia tăng và nguồn thu từ du lịch cũng tăng trưởng liên tục. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp kết hợp từ nhiều ngành, 99% doanh nghiệp du lịch là tư nhân, do đó có đóng góp to lớn. Tuy nhiên, để phát triển du lịch thì các rào cản với ngành này cần được tháo gỡ để tăng tính chuyên nghiệp cho người lao động trong ngành. Dự kiến, để ngành du lịch đóng góp 10% GDP cả nước trong thời gian tới thì cần tập phải trung khai thác các thị trường chi trả cao, du lịch chuyên đề, tăng tỷ trọng khách du lịch tự trải nghiệm thay vì trọn gói.

Câu chuyện về ngành

     Thomas Cook - ông tổ ngành du lịch lữ hành

Dù đã được báo trước, sáng ngày 5-7-1841, ông trưởng ga tàu hỏa Leicester nước Anh vẫn không tin nổi vào mắt mình. Xe ngựa đủ loại chen chúc trước lối vào, những quý ông đường bệ bước xuống, tới phòng đợi của nhà ga lúc đó còn rất nhỏ. Đi tàu hỏa ở thế kỷ XIX, trên thế giới mới chỉ có vài nước.

Hôm nay, 570 hành khách sẽ đi chuyến tàu hỏa từ Leicester đến Lafboughroy và trở về trên cùng chuyến tàu. Các quý ông đây sẽ tham dự một đại hội đặc biệt: Đại hội Cấm rượu.

Một người đàn ông chừng ngoài 30 tuổi, vẻ phong trần và nhanh nhẹn bước tới. Đó là Thomas Cook, một hội viên quan trọng của Đại hội và là người tổ chức chuyến đi này.

Ông trưởng ga hồ hởi:

- Xin chào ngài. Chà, thật là một cảnh tượng hiếm thấy của ngành đường sắt. Xin mạo muội hỏi ngài là có thể thu chút lợi nhuận nào chăng mà thấy ngài vất vả quá?

Thomas Cook mỉm cười:

- Lợi nhuận ư, thưa ông, có đấy, nhưng chủ yếu là cho các hội viên và từ các hội viên. Ông thấy đấy, cả đi và về giá vé chỉ có 1 bảng, rẻ hơn giá vé mua lẻ mà ngành đường sắt quy định. Còn lợi hơn nữa là ngành đường sắt có lãi hơn phục vụ khách thường ngày, vì ít khi có lượng khách lớn như thế trên một chuyến tàu.

Thomas Cook đã làm được điều mà trước đó chưa có nhà tổ chức lữ hành du lịch nào thực hiện. Những hội viên được cung cấp đồ ăn thức uống và nghe nhạc suốt chặng đường. Điều đặc biệt là lần đầu tiên có người giới thiệu cảnh quan khi đi qua các thành phố, lâu đài, ngọn núi...

- Thưa quý vị, chúng ta đang đi qua vùng đất nổi tiếng của huân tước Scott. Ông sở hữu trang viên rộng lớn này từ đầu thế kỷ XIII...

Cứ thế, người hướng dẫn gây bao ngạc nhiên và thích thú cho đoàn khách đông đảo. Sau này, những người hướng dẫn đó được gọi bằng danh xưng nghề nghiệp: Hướng dẫn viên du lịch.

Từ chuyến đi ấy, ngành du lịch thế giới đã sang trang mới với lĩnh vực mới: kinh doanh lữ hành du lịch. Những chuyến du lịch được tổ chức với đầy đủ dịch vụ đi lại, ăn uống, nghỉ ngơi, hướng dẫn tham quan, vui chơi giải trí... hay còn gọi là Du lịch trọn gói.

Thomas Cook đã lập ra một cơ sở lữ hành du lịch. Chuyến du lịch có ý nghĩa nhất do ông tổ chức vào năm 1872. Chín khách du lịch và một hướng dẫn viên giỏi đã thực hiện hành trình vòng quanh thế giới trong 80 ngày đêm cùng với việc phát hành ngân phiếu lữ hành để thanh toán tại các thành phố du lịch.

Giảng viên tiêu biểu ngành Du lịch tại Đại học Mở TPHCM

https://lh6.googleusercontent.com/AdDPQaq326MiWJJ4Tbf-Wc7vfwBBc2NNmX-pNtFjLx6UMRurihDFhKZbGPB07tGh78X8OdyxeiZEQ2_CO3ZUntKmNLlE7jhM5KLktBKPv7plXsXqRf409Xp3pu2gMw

TS. Hà Thị Thùy Dương - Trưởng bộ môn Du Lịch trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh

Vào năm 2015, cô tốt nghiệp Tiến sĩ Quản trị Kinh Doanh (Chuyên ngành Du lịch) tại Đại học Rouen, CH Pháp. Hiện cô đang giảng dạy tại trường với những môn như Quản trị Marketing, Quản trị bán hàng, Du lịch văn hóa di sản. Trong suốt thời gian dạy và nghiên cứu của mình cô đã có những bài báo cáo khoa học tiêu biểu như: Destination attraction through gastronomy: The case of Vietnam (2019) trên tạp chí ICB, Marketing cultural tourism in Vietnam (2014) - AVSE and Paris Dauphine. Vào năm 2018 cô đã xuất bản sách 2018: Sustainable tourism development in Vietnam and the sharing of tourism competence (Thi Thuy Duong Ha and Yann Rival), Chapter 4, Le tourisme: Un domaine de compétence partagé, L'Harmattan, France và nhiều cuốn sách khác. Hiện cô đang làm tư vấn đào tạo và chiến lược cho Công ty TNHH Du lịch Văn hóa Việt và là thành viên CETOP của Trung tâm nghiên cứu và phát triển Du lịch French Polynesia.

Cô còn là một giáo viên năng động, nhiệt huyết và luôn truyền cảm hứng cho các học viên của mình qua những môn học, những bài học mà cô giảng dạy.