Thứ nhất là sự xuất hiện của đại dịch Covid 19.
Có thể nói dịch bệnh này gây ra nhiều yếu tố khó khăn cho kinh tế nói chung. Theo tổng cục Thống kê Việt Nam, hầu hết các chỉ số kinh tế chính đều kém khả quan hơn so với cùng kỳ năm 2019 và mặt bằng chung 5 năm trở lại đây tính đến tháng 9 năm 2020. Về số liệu GDP, chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, xuất khẩu và ngành công nghiệp, chế tạo nói riêng đều giảm đến mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Năm 2020 cũng là năm đầu tiên trong 5 năm gần nhất Việt Nam có chỉ số nhập khẩu chỉ còn -0.7. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực của chính phủ, lâm, nông nghiệp, thủy sản vẫn bảo đảm được an sinh, an dân trong dịch. Năm qua, ngành Logistics ở nhiều nơi bị xem là tê liệt nhưng Logistics cho ngành Thương mại Điện tử lại phát triển và quá tải. Ở thời điểm giãn cách xã hội, số lượng người mua hàng và các đơn hàng giao hàng tại nhà tăng đột biến. Theo quyết định của chính phủ, Logistics như một ngành then chốt để thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa. Vì vậy một khi dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn và tác động thì nền kinh tế Việt Nam và ngành Logistics vẫn sẽ có nhiều trạng thái biến động.
Thứ hai là sự thiếu hụt về số lượng và chất lượng nhân sự ngành Logistics.
Theo Viện nghiên cứu và Phát triển TPHCM, hiện tại có khoảng 53.3% doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức ngành, tới 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên và chỉ 67% doanh nghiệp hài lòng với chuyên môn của nhân viên. Về cơ bản, Logistic hiện tại là một ngành công nghiệp dịch vụ, đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu, mở rộng thị trường. Cụ thể là, ngành này chiếm 20.9% GDP cả nước, tốc độ tăng trưởng hàng năm tới 25%. Tuy nhiên, có một thực tế là phần lớn các nhân viên được đào tạo qua công việc hàng ngày nhiều hơn là qua các khóa đào tạo trong nước hay nước ngoài. Điều này là không phù hợp với một chương trình mang quy mô quốc gia. Đến năm 2025, chuyên ngành này cần khoảng 25% nhân viên có bằng đại học, 30% cho chương trình cao đẳng, 25% cho trung cấp và 20% cho sơ cấp nghề. Dù vậy, với thực trạng, ngành có đến 80.26% nhân viên được đào tạo qua công việc thì mục tiêu như trên quả thật hơi khó để đạt được.
Thứ ba là về chi phí Logistics.
Về lý thuyết, chi phí logistics bao gồm: chi phí hoạt động vận tải, chi phí hoạt động lưu kho, lưu bãi, nhập kho, chi phí giá trị thời gian, đầu tư hàng hóa trong một hệ thống logistics, bao gồm cả giá trị gia tăng của giao thông vận tải, chi phí thay đổi hình thức vật lý cần thiết cho giao thông vận tải hiệu quả và/ hoặc an toàn, lưu trữ và xử lý, chi phí đánh dấu, xác định, ghi âm, phân tích, cũng như truyền dữ liệu và xử lý dữ liệu, chi phí xếp dỡ, bao bì thêm vào khi cần thiết, chi phí chuyển giao tài liệu, chi phí thông tin và hội nhập viễn thông, chi phí quản lý hệ thống logistics. Trong bảng xếp hạng có các nước Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Trung Quốc và các nước Châu Âu, Việt Nam đứng đầu là nước có chi phí Logistics chiếm phần trăm cao nhất trong GDP. Trong chi phí nói chung, chi phí về vận tải chiếm tỷ trọng khá lớn do sự leo thang của giá nhiên liệu. Theo Hiệp Hội VATA, tháng 10/2018, giá nhiên liệu là nhân tố chính trong chi phí dịch vụ Logistics, chi phí nguyên liệu chiếm tới 40% chi phí vận tải đường bộ. Vậy nên để giải được bài toán chi phí và lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp nên đề ra các giải pháp hạn chế chi phí này. Ngoài chi phí này, công ty còn phải đối mặt với chi phí cơ hội vốn cho hàng tồn kho. Chi phí cơ hội vốn cho hàng tồn kho phụ thuộc vào thị trường vốn, công nghệ sản xuất, khối lượng vật tư, sản xuất tồn trữ. Một khi thị trường được mở rộng, sản phẩm nhiều lên và lãi suất tăng cao thì chi phí cơ hội này cũng tăng theo. Bên cạnh, các doanh nghiệp cũng phải tính toán đến các chi phí bảo quản cho các mặt hàng đặc thù như vắc xin hay rau củ, rượu...Vậy nên để giải được bài toán chi phí và lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp nên đề ra các giải pháp hạn chế các chi phí trên.