KHOA QUẢN TRỊ KINH DOANH - Where success begins

LOGISTICS LÀ GÌ?

Vu Truong Giang - 12/05/2021 - 0 bình luận

Định nghĩa

Thuật ngữ “logistic” chỉ mới xuất hiện và sử dụng cách đây vài thế kỉ, tuy nhiên sự tồn tại của nó đã được biết đến từ rất lâu thông qua việc tích trữ, phân chia, trao đổi, vận chuyển… những vật phẩm được con người tạo ra. Trong các cuộc chiến tranh cổ đại của đế chế Hy Lạp và La Mã, những chiến binh có chức danh "Logistikas" được giao nhiệm vụ chu cấp và phân phối vũ khí và nhu yếu phẩm, đảm bảo điều kiện cho quân sĩ hành quân an toàn từ bản doanh đến một vị trí khác. Công việc hậu cần này có ý nghĩa sống còn tới cục diện của chiến tranh, khi các bên tìm mọi cách bảo vệ nguồn cung ứng của mình và tìm cách triệt phá nguồn cung ứng của đối phương. Quá trình tác nghiệp đó dần hình thành một hệ thống mà sau này được vận dụng trong các phương pháp quản lý hậu cần.

Thuật ngữ logistics trong tiếng Anh bắt nguồn từ chữ Hy Lạp logistikos. Theo định nghĩa của Oxford thì logistics trong tiếng Anh được hiểu là một nhánh của khoa học quân sự liên quan đến việc tiến hành, duy trì và vận chuyển phương tiện thiết bị và nhân sự.

Khái niệm hậu cần/logistics liên quan đến kinh doanh bắt nguồn từ những năm 1950. Điều này chủ yếu là do sự gia tăng trong việc cung cấp, vận chuyển trong một thế giới toàn cầu hóa đòi hỏi phải có những nhà chuyên gia trong lĩnh vực này.

Ngày nay do lực lượng sản xuất cùng với khoa học kĩ thuật phát triển mà khối lượng hàng hóa và sản phẩm vật chất được tạo ra ngày càng nhiều, đồng thời chất lượng hàng hóa và giá cả ngày càng thu hẹp dẫn đến các vấn đề cạnh tranh liên quan đến quản lý tồn kho, tốc độ giao hàng cũng như quá trình luân chuyển nguyên liệu và bán sản phẩm. Tuy nhiên những cạnh tranh này là tiền đề cho logistic có cơ hội phát triển đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh.

Trong thời gian đầu xuất hiện, logistic được xem như là một giải pháp giúp giải quyết các vấn đề phát sinh, một phương thức kinh doanh mới mang lại hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp. Cùng với quá trình phát triển của thế giới hiện đại logistic dần được chuyên môn hóa và trở thành ngành dịch vụ quan trọng trong giao thương quốc tế và ngày càng nhiều người nghiên cứu để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này.

Vậy, logistic là gì? Đến nay vẫn chưa có thuật ngữ Tiếng Việt nào tương đương nhưng có thể hiểu một cách không sát nghĩa là “hậu cần”. Đầu tiên chúng ta cần biết logistic là môn khoa học nghiên cứu tính quy luật của các hoạt động cung ứng và đảm bảo các yếu tố tổ chức, vật chất và kỹ thuật, để cho quá trình chính yếu được tiến hành đúng mục tiêu. Nó được coi như một nhánh của quá trình tạo ra một hệ thống liên quan đến nguồn lực con người hơn là một hệ thống về máy móc. Điều này chỉ rõ nguồn lực tập trung là con người với vai trò vừa là đối tượng, vừa là công cụ tác động, vừa là chủ thể của quá trình. Logistic có thể được hiểu như là việc có được đúng số lượng cần thiết ở đúng thời điểm và với chi phí phù hợp. Nó là nghệ thuật, là một quá trình khoa học. Nó phối hợp tất cả các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, quản lý vòng đời dự án, chuỗi cung cấp và hiệu quả.

 Có rất nhiều định nghĩa học thuật khác nhau về Logistic. 

Theo Đại học Hàng hải thế giới – World Maritime University, D. Lambert 1998 thì logistic được hiểu là một quá trình xây dựng kế hoạch, cung cấp và quản lý việc chu chuyển và lưu kho có hiệu quả hàng hóa, dịch vụ và các thông tin liên quan từ nơi xuất xứ đến nơi tiêu thụ vì mục tiêu đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Với Liên hợp quốc sử dụng cho đào tạo quốc tế về vận tải đa phương thực và quản trị logistic tổ chức tại Đại học Ngoại thương Hà Nội, logistic là hoạt động quản lý quá trình lưu chuyển nguyên vật liệu qua các khâu lưu kho, sản xuất ra sản phẩm cho tới tay người tiêu dùng theo yêu cầu của khách hàng.

Theo Coyle, Bardi & Langley, logistic phần quá trình chuỗi cung ứng giữ vai trò lập kế hoạch, triển khai và kiểm soát hiệu quả dòng chảy đồng thới cất giữ hàng hóa, dịch vụ và các thông tin liên quan từ điểm nguồn tới điểm tiêu thụ với mục tiêu thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.

Tổng quan có thể thấy Logistic không phải là một hoạt động đơn lẻ mà là một chuỗi các hoạt động bao trùm các yếu tố tạo nên sản phẩm tức quá trình lưu kho, sản xuất ra sản phẩm và phân phối tới tay người tiêu dùng. Định nghĩa một cách khá đầy đủ theo Hội đồng các nhà quản trị chuỗi cung ứng chuyên nghiệp (The Council of Supply Chain Management Professionals- CSCMP), thì Quản trị Logistics là một phần của quản trị chuỗi cung ứng bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hiệu quả hàng hóa, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Hoạt động của quản trị Logistic cơ bản bao gồm quản trị vận tải hàng hóa xuất và nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, thiết kế mạng lưới Logistics, quản trị tồn kho, hoạch định cung/cầu, quản trị nhà cung cấp dịch vụ thứ ba. Ở một số mức độ khác nhau, các chức năng của Logistics cũng bao gồm việc tìm nguồn đầu vào, hoạch định sản xuất, đóng gói, dịch vụ khách hàng. Quản trị Logistics là chức năng tổng hợp kết hợp và tối ưu hóa tất cả các hoạt động Logistics cũng như phối hợp hoạt động Logistics với các chức năng khác như marketing, kinh doanh, sản xuất, tài chính, công nghệ thông tin.

Câu chuyện về ngành Logistics

 

http://bizweb.dktcdn.net/100/021/721/files/28-nguyen-thi-bich-tram.jpg?v=1589645843148

Tiến sĩ NGUYỄN THỊ BÍCH TRÂM

Giảng viên khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh

Cô tốt nghiệp ngành Quản trị Trường Đại học Liverpool, Vương Quốc Anh. Hiện tại, Cô Nguyễn Thị Bích Trâm đang là một trong những giảng viên của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh. Trong khoa Quản trị Kinh Doanh, Cô phụ trách các môn như: Phương pháp Nghiên cứu khoa học, Quản trị Chuỗi Cung Ứng và Thương mại điện tử của khoa. Ngoài công tác giảng dạy, Cô còn tham gia vào các đề tài nghiên cứu, xuất bản sách và chịu trách nhiệm chính của một số bài báo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh như A review of Action Research - An approach for change and development in management study (2016),....