KHOA QUẢN TRỊ KINH DOANH - Where success begins

GIỚI THIỆU NGÀNH LOGISTICS VÀ QUẢN LÝ CHUỖI CUNG ỨNG

Nguyen Thi Thu Thao - 10/05/2021 - 0 bình luận

GIỚI THIỆU CHUNG VỀ NGÀNH HỌC LOGISTICS VÀ QUẢN LÝ CHUỖI CUNG ỨNG

1.Ngành logistics & quản lý chuỗi cung ứng là gì?  

Ngành logistics & quản lý chuỗi cung ứng là ngành học quản trị dòng chảy của hàng hoá, thông tin và dòng tiền tối ưu nhất từ nơi sản xuất, cung cấp đến tay người tiêu dùng cuối cùng và ngược lại. Các bạn sinh viên theo học ngành này sẽ nghiên cứu cách các đơn vị, công ty vận hành và cung ứng từ nguyên vật liệu thô cho đến thành phẩm. Cụ thể là các công việc lập kế hoạch và thực hiện thu mua, lựa chọn nguồn cung ứng, sản xuất và logistics để kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa, không chỉ là giao nhận, vận tải mà còn bao gồm các hoạt động khác như kho bãi, lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, luân chuyển hàng hóa, xử lý hàng hư hỏng nhằm mục tiêu giảm giá thành sản phẩm, tối đa hoá lợi nhuận và tăng tính cạnh tranh trong ngành.

Theo Tổng cục Hải quan, kết thúc năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước lập kỷ lục mới khi đạt con số 517,26 tỷ USD, cộng với triển vọng đầu tư nước ngoài đến từ nhiều công ty đa quốc gia như Unilever, Nestlé, Samsung,… tạo điều kiện cho ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong nước trở nên cạnh tranh và phát triển hơn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực phục vụ cho ngành này phần nhiều chưa được đào tạo bài bản và chưa đáp ứng được tối đa chất lượng chuyên môn nghiệp vụ. Trong thời gian qua, đây là ngành phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, giai đoạn 2017-2020, Việt Nam cần khoảng 20.000 lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn, và đến năm 2030, số lượng người lao động mới cần thêm lên tới 200.000 lao động trình độ cao, đáp ứng đủ các yêu cầu về kỹ năng, kiến thức chuyên môn và trình độ tiếng Anh. Đây là một tỷ lệ rất thấp và là một cơ hội rất lớn cho các bạn trẻ đang có ý định theo học ngành này.

2.Tại sao ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng lại đang được ưa chuộng hiện nay?

»Mức lương cao cho các công việc cực kỳ đa dạng liên quan đến logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Bạn hoàn toàn có thể dễ dàng kiếm được một công việc khi mới ra trường với mức lương khá trở lên.

»Dễ dàng có việc làm ở mọi cấp độ vì các công ty luôn cần nhân viên logistics và quản lý chuỗi cung ứng để đảm bảo dòng chảy nguyên vật liệu, hàng hoá, thông tin từ vị trí nhân viên cho tới quản trị cấp cao.

»Khi làm việc trong mảng này, bạn được tiếp xúc nhiều lĩnh vực đa dạng bởi ngành hàng nào cũng cần hoạt động Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Nhờ đó, bạn sẽ được tìm hiểu thêm về các ngành công nghiệp khác nhau, bất kể là tổ chức hoạt động vì lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận.

»Quy mô kinh doanh toàn cầu là xu hướng hiện nay sẽ tạo điều kiện cho bạn được trải nghiệm môi trường quốc tế khi theo học ngành Logistics & quản lý chuỗi cung ứng. Bạn sẽ phát triển được những mối quan hệ với các đối tác chuyên nghiệp và có cơ hội làm việc và hợp tác trên toàn thế giới.

»Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bạn đã có thể xin thực tập ở những tập đoàn lớn hoặc bất kì đâu cần những thực tập sinh đam mê với ngành này. Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp tuyển dụng thực tập sinh có trả lương để thu hút nguồn nhân lực trẻ.

3.Tại sao nên học Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại trường ĐH Mở Tp. HCM?  

Nghề Logistics và quản lý chuỗi cung ứng đòi hỏi cao về sự nhạy bén, sáng tạo, thực tiễn trong hoạt động quản trị, sản xuất, bảo quản và phân phối sản phẩm/dịch vụ. Để khai thác thị trường còn đòi hỏi phải tìm hiểu sâu về sản xuất, điều hành, phân phối, bên cạnh các kiến thức xã hội, sự bền bỉ trong công việc, xây dựng quan hệ. Ngoài ra, kỹ năng mềm như: quản lý, lắng nghe hiệu quả, thuyết phục, xử lý thông tin, khả năng sử dụng các phần mềm chuyên ngành và ngoại ngữ là yếu tố không thể thiếu. Có thể nói đây là những đòi hỏi rất cao đối với sinh viên theo học ngành này.

»Sinh viên có thể đạt các yêu cầu nói trên được nhờ chương trình đào tạo phù hợp và cập nhật tại trường ĐH Mở. Cụ thể, chương trình đào tạo cập nhật mới nhất và đi theo định hướng ứng dụng như nhà trường thực hiện mời báo cáo viên là các doanh nghiệp thành đạt hoặc các nhà quản trị đang làm việc trong lĩnh vực này, đi tham quan các doanh nghiệp, project môn học và thi theo project, thường xuyên thảo luận thuyết trình và bài tập tình huống cho tất cả các môn.

»Trường có chương trình đào tạo kỹ năng phát triển bản thân, phát triển nghề nghiệp và tinh thần thái độ (các môn: quản trị bản thân, tư duy phản biện & sáng tạo, tư duy tích cực và thông minh cảm xúc, giá trị sống theo chương trình của UNESCO). Môi trường học tập năng động, nhiều hoạt động ngoại khoá cho sinh viên.

»Lực lượng giảng viên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng có trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ, tu nghiệp tại các trường ĐH nổi tiếng ở các nước như Mỹ, Anh, Úc, Pháp, New Zealand giàu kinh nghiệm thực tế, năng động, đầy nhiệt huyết và hết mình vì sinh viên.

»Ngoài ra còn có: Thực tập 1 cho học kì cuối năm 2 hay còn gọi là học kỳ doanh nghiệp, sau khi mới kết thúc học kiến thức đại cương và nền tảng, trước khi học kiến thức ngành để giúp sinh viên nhận diện và học hỏi được từ trong thực tế, hiểu rõ bản thân còn thiếu gì so với yêu cầu thực tế, quay về trường học với tinh thần học quyết tâm và đúng đắn hơn. Thực tập 2 là đầu năm 4 để làm việc như 1 nhân viên mới được tuyển dụng ở các doanh nghiệp

4.Công việc tiềm năng của ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng

Các vị trí công việc dành cho sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng khá đa dạng:

Nhân viên vận hành kho

»Xếp lịch vận chuyển hàng, sắp xếp tuyến giao hàng.

»Quản lý về quá trình liên quan đến giao nhận hàng hóa.

»Kiểm kê số lượng hàng hóa giao và nhận.

»Quản lý chứng từ, hóa đơn, giấy tờ pháp lý.

»Giải quyết các sự cố phát sinh trong quá trình giao nhận hàng.

Nhân viên chứng từ

»Xử lý các chứng từ, hợp đồng, hóa đơn, giấy tờ,…

»Soạn bộ chứng từ kê khai hải quan, xin giấy chứng nhận, công văn, lập tờ trình hải quan,…

»Liên lạc với khách hàng để thực hiện các thủ tục thông quan.

»Lưu trữ chứng từ.

Nhân viên cảng

»Điều động công nhân và phương tiện bốc xếp hàng hóa.

»Sắp xếp tàu ra vào.

»Đảm bảo an toàn trong lao động cho các công nhân.

Nhân viên giao nhận

»Tư vấn và hỗ trợ khách hàng.

»Tiếp nhận, xử lý thông tin hàng hóa.

»Sắp xếp phương tiện vận chuyển.

»Theo dõi quá trình giao hàng.

Nhân viên thu mua

»Thực hiện việc thu mua sản phẩm cho doanh nghiệp.

»Quản lý về quá trình mua hàng.

»Xử lý các sự cố có thể xảy ra trong khi giao hàng.

»Quản lý vấn đề chi phí.

»Đảm bảo tuân thủ đúng hợp đồng thu mua.

Nhân viên hải quan

»Kiểm tra hàng hóa, giấy tờ xuất nhập khẩu.

»Khai báo hải quan qua phần mềm.

»Làm thủ tục thông quan.

Nhân viên hiện trường

»Khai báo hải quan.

»Quản lý đóng xếp hàng hóa.

»Xử lý chứng từ.

»Đảm bảo hàng hóa giao đúng thỏa thuận.

Nhân viên thanh toán quốc tế

»Xử lý các chứng từ.

»Kiểm tra hồ sơ, tính pháp lý của các giấy tờ.

»Giải quyết các khiếu nại và thắc mắc của khách hàng.

»Hoàn thiện hồ sơ thanh toán.

»Lưu trữ hồ sơ theo quy định của ngân hàng.

Nhân viên chăm sóc khách hàng

»Cung cấp tài liệu và xử lý yêu cầu của khách hàng.

»Theo dõi đơn hàng, thông báo tình trạng đơn hàng cho khách.

»Lưu trữ thông tin khách hàng.

Nhân viên kinh doanh

»Bán dịch vụ của doanh nghiệp cho khách hàng.

»Duy trì và chăm sóc mối quan hệ với khách hàng

»Mở rộng tệp khách hàng

»Giải quyết các vấn đề phát sinh.