KHOA QUẢN TRỊ KINH DOANH - Where success begins

Hội nghị bàn tròn hội thảo Sustainable Tourism 2017

Khoa QTKD - 15/04/2017 - 0 bình luận

Hội nghị bàn tròn

Quản lý du lịch và sự bảo tồn hệ sinh thái: Phát triển du lịch bền vững tại VN

Hội nghị bàn tròn diễn ra vào ngày 13/4/2017, với chủ đề Quản lý du lịch và sự bảo tồn hệ sinh thái – Thảo luận sâu về phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam.

Hội nghị bàn tròn có sự tham gia của các khách mời là các giáo sư đến trường đại học của Mỹ, Úc, Pháp, Thái Lan, Việt Nam và lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch.

 

Chính phủ Việt Nam mong muốn phát triển du lịch và xem đó như một ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp vào sự phát triển kinh tế quốc gia. Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Tổng cục Du lịch Việt Nam có nhấn mạnh đến việc phát triển du lịch đáp ứng nhu cầu thị trường, lấy chất lượng dịch vụ và giá trị trải nghiệm của du khách là cơ sở và mục tiêu xuyên suốt để hoạch định chính sách và triển khai các chương trình hành động, đảm bảo cân bằng các yếu tố kinh tế, xã hội, và môi trường gắn liền với cộng đồng địa phương. Bên cạnh những sản phẩm như du lịch biển đảo, du lịch MICE (hội họp, khuyến thưởng, hội nghị, triển lãm), du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biên giới, Chính phủ cũng khuyến khích nhiều loại hình như du lịch sinh thái (miệt vườn, đất ngập nước, nông nghiệp nông thôn), du lịch văn hóa, lễ hội gắn với nền văn minh lúa nước. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của việc phát triển du lịch bền vững, nhà nước đã khuyến khích phát triển du lịch bền vững và đưa vào như một nội dung trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia. Tuy nhiên những hỗ trợ đặc biệt, các chính sách, quy định để hướng dẫn phát triển du lịch bền vững chưa được cụ thể và rõ ràng. Trong thời gian qua, nhiều khu du lịch sinh thái đã được phát triển mạnh theo mong muốn và mục tiêu của các công ty kinh doanh trong lĩnh vực du lịch.

Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Cần chú ý đến vai trò của hệ sinh thái cũng như các vấn đề về sự tác động của du lịch đến hệ sinh thái, các giải pháp bảo tồn và khắc phục. Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm của các nước trong việc bảo tồn hệ sinh thái và cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo vệ hiệu quả nguồn tài nguyên”.

Vấn đề du lịch bền vững gắn liền với việc bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, du lịch sinh thái, du lịch xanh được bàn luận khá sôi nổi tại hội nghị. Với câu hỏi: Để phát triển Du lịch bền vững cần chú trọng những yếu tố nào? Các khách mời đã sôi nổi tham gia trao đổi xoay quanh các yếu tố thuộc về cơ sở hạ tầng, các yếu tố thuộc về sự quản lý của chính phủ, các yếu tố thuộc về ý thức của công dân và khách hàng tại điểm đến. Ông Nguyễn Đông Hoà, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cho rằng: “Cơ sở hạ tầng và chính sách của nhà nước rất quan trọng trong việc quyết định sự phát triển của du lịch bền vững. Một số công ty kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, chẳng hạn như khách sạn Caravel đã tham gia vào hành trình thực hiện du lịch bền vững bằng cách tham gia kiểm địch earth check, theo đó họ kiểm tra từng hạng mục thực hiện của quy trình dịch vụ của khách sạn như hệ thống điện, nước, rác thải…. nhằm đạt được các tiêu chí của earth check và thân thiện với môi trường. Saigontourist là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành nên có điều kiện về tài chính và nguồn lực để đầu tư khai thác các điểm đến du lịch theo hướng phát triển bền vững”.

Cần có sự cam kết của lãnh đạo nhà nước, các ban ngành quản lý cũng như các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành du lịch khi theo đuổi chiến lược phát triển du lịch bền vững. Sự hỗ trợ từ phía nhà nước, chính quyền địa phương, sự hợp tác của doanh nghiệp và những hành vi tích cực của khách du lịch, công dân và cộng đồng tại điểm đến là yếu tố quan trọng giúp thực thi chiến lược phát triển du lịch bền vững. Một thách thức lớn đặt ra đối với các cơ sở kinh doanh du lịch là làm sao kinh doanh khai thác đạt hiệu quả mà vẫn bảo tồn được di sản thiên nhiên và hệ sinh thái, đặc biệt rất thách thức đối với các quốc gia phát triển đang đứng trước yêu cầu về sự tăng trưởng. Tiến sĩ Trịnh Thuỳ Anh, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Một số khu du lịch sinh thái nhắm đến mục tiêu gia tăng số lượng du khách, gia tăng doanh thu, ít chú trọng vấn đề gia tăng chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng theo hướng bảo tồn hệ sinh thái và cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo vệ hiệu quả nguồn tài nguyên. Các công ty du lịch bị áp lực doanh số nên liên tục giảm giá để thu hút khách, vì thế khó giữ được chất lượng dịch vụ, đặc biệt là khó bảo tồn nguồn tài nguyên và rơi vào tình trạng bị khai thác cạn kiệt. Thay vì nâng cao chất lượng dịch vụ và giá trị trải nghiệm cho khách hàng, thì các công ty kinh doanh trong ngành du lịch lại hướng đến giảm giá bán để tăng số lượng khách hàng”. Các diễn giả cũng trao đổi về kinh nghiệm các nước trong việc phát triển du lịch bền vững, tránh bài học như phát triển du lịch Thái Lan dựa trên số lượng cao và bán giá rẻ.

Hiện nay có nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với việc phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam. Nền kinh tế phát triển trong xu hướng hội nhập toàn cầu đã thúc đẩy nhu cầu đi du lịch gia tăng trong những năm qua. Sự bùng nổ công nghệ thông tin và công nghệ mạng cùng với xu hướng phát triển của các trang mạng xã hội và phong cách sống của thế hệ mới đã và đang thúc đẩy xu hướng sống thích sự trải nghiệm, khám phá của thế hệ trẻ. Tất cả những điều này tạo sức hút lớn cho du lịch Việt Nam. Nói về vai trò của công nghệ, giáo sư Erick Leroux, Đại học Paris 13 cho biết: “Công nghệ có vai trò rất quan trọng. Các công ty đang ứng dụng khá mạnh mẽ công nghệ vào lĩnh vực du lịch để có thể phân tích, đánh giá phản hồi của khách hàng và theo dõi lịch sử chi tiêu của khách hàng. Những thông tin này nhằm giúp các công ty phục vụ và thỏa mãn khách hàng tốt hơn trong lần sử dụng tiếp sau”.

Giáo sư Frederic William Swierczek, giám đốc của AITCV đặt vấn đề: “Hiện tượng khách Trung Quốc đổ đến Nha Trang ào ạt, khách Trung Quốc và Hàn Quốc đổ dồn đến Đà Nẵng, khách Nga đổ đến Phan Thiết nên được xem là cơ hội hay nguy cơ đối với du lịch Việt Nam?”. Các khách mời bàn luận về vòng đời của sản phẩm du lịch. Hiện tượng phần lớn khách châu Âu không đến Nha Trang du lịch nữa vì họ nghĩ đây là điểm đến quen thuộc của khách Trung Quốc có cho thấy vòng đời của điểm đến Nha Trang đang ở giai đoạn bão hòa hay không? Các chuyên gia cho rằng khi xem xét vòng đời sản phẩm du lịch thì cần xem xét điểm đến là toàn bộ Việt Nam chứ không thể phân biệt từng điểm đến riêng lẻ, và vì vậy du lịch Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn phát triển (tăng trưởng).

Sự cạnh tranh mạnh mẽ trong ngành đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng gia tăng chất lượng dịch vụ và giá trị trải nghiệm cho khách hàng. Giáo sư Jaher Hallab, Trường Đại học California State University cho biết “Để tạo sự khác biệt về sản phẩm du lịch, để mang lại vòng đời dài cho các sản phẩm du lịch, cần suy nghĩ đến việc phát triển bền vững, chính điều này mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp kinh doanh trong ngành”. Giáo sư Robyn Bushell, Trường Đại học Western Sydney, Australia lưu ý: “Khi quy hoạch điểm đến du lịch phải cân nhắc đến vấn đề sức khoẻ của con người, ví dụ Hạ Long hiện tại bị khai thác quá mức, số lượng tàu thuyền và khách du lịch nhiều mà không có giải pháp quản lý môi trường và khai thác bền vững, gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của con người và phá huỷ nguồn tài nguyên thiên nhiên”. Hệ sinh thái có mối liên hệ chặt chẽ với dịch vụ du lịch bền vững. Hệ sinh thái được bảo tồn tốt là điều kiện để ngành du lịch phát triển bền vững. Tại Việt Nam hiện nay, du lịch sinh thái cũng bắt đầu phát triển phục vụ cho các đối tượng khách hàng thích dịch vụ du lịch xanh.

So với các nước khác trong khu vực, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn, với cảnh quan thiên nhiên đẹp, bờ biển dài, khí hậu 4 mùa cùng bề dày văn hoá 4000 năm lịch sử dựa trên nền văn minh lúa nước. Người Việt Nam hiếu khách, cần cù, chịu khó và ham học hỏi. Chúng ta có nền văn hoá ẩm thực và những món ăn 3 miền ngon lành, đặc biệt hấp dẫn đối với du khách nước ngoài. Bên cạnh đó, chúng ta cũng còn nhiều hạn chế. Một trong những vấn đề cần khắc phục hiện nay là sự phối hợp của các cơ quan ban ngành quản lý phát triển du lịch, chính quyền địa phương, doanh nghiệp kinh doanh và nhiều bên liên quan. Tiến sĩ Võ Sáng Xuân Lan, Viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch của Trường Đại học Hoa Sen cho biết: “Để phát triển du lịch bền vững cần có sự phối hợp của nhiều bên nhằm mục đích bảo tồn di sản và gìn giữ nguồn tài nguyên, hiện nay các điểm đến tại Việt Nam đang bị tàn phá bởi du lịch. Nên có sự tham gia liên kết của các cơ sở kinh doanh du lịch vào trong hoạt động này”.

Để phát triển du lịch bền vững, nguồn nhân lực trong ngành du lịch cần được cải thiện mạnh mẽ, cần có sự kết hợp một cách hiệu quả giữa các trường đại học đào tạo về quản trị du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành này trong các hoạt động đào tạo cũng như khai thác kinh doanh vận hành. Tiến sĩ Hà Thị Thuỳ Dương, Trưởng bộ môn Du lịch, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Chương trình đào tạo của chúng tôi luôn có sự tham gia hỗ trợ của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chương trình cũng như triển khai giảng dạy và thực hành. Các sinh viên đang theo học tại các trường được thực hành tại môi trường nghề nghiệp thực tế, để có thể tích luỹ kiến thức, rèn luyện kỹ năng và sự trải nghiệm cùng thái độ làm việc chuyên nghiệp và tích cực ngay trong thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường”. Mặt khác, các hoạt động khai thác, vận hành, kinh doanh của doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ của các chuyên gia nghiên cứu đến từ các trường đại học. Giáo sư Yann Rival, trường Đại học tổng hợp Pháp nói: “Kinh nghiệm cho thấy các tập đoàn du lịch hàng đầu trên thế giới luôn có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ trường đại học nhằm có thể áp dụng những kiến thức khoa học quản trị du lịch hiện đại nhất vào hoạt động thực tiễn kinh doanh của các doanh nghiệp”.

Hội nghị bàn tròn về Quản lý du lịch và sự bảo tồn hệ sinh thái trong phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam đã khép lại nhưng những vấn đề và sáng kiến về quản lý du lịch trong sự bảo tồn hệ sinh thái và phát triển du lịch bền vững sẽ tiếp tục được phát triển và bàn bạc giữa các chuyên gia nghiên cứu, các nhà quản lý, chính sách và các công ty kinh doanh trong ngành công nghiệp không khói đang ngày càng hấp dẫn và được xem là mũi nhọn phát triển kinh tế quốc gia này.