KHOA QUẢN TRỊ KINH DOANH - Where success begins

Các phiên làm việc tại hội thảo Sustainable Tourism 2017

Khoa QTKD - 14/04/2017 - 0 bình luận

Các phiên làm việc tại hội thảo

Năm 2017 là năm thế giới về phát triển du lịch bền vững. Trong năm này, những vấn đề về du lịch bền vững, cách thức thực hiện du lịch bền vững được bàn luận và quan tâm rất nhiều. Sự đóng góp của du lịch cho nền kinh tế toàn cầu khá lớn, chiếm 16% tổng GDP toàn cầu với giá trị 7,000,000 tỉ USD. Du lịch chiếm 6% giá trị nguyên vật liệu toàn thế giới và 30% tổng giá trị các hoạt động dịch vụ trên thế giới. Năm 2015 có hơn 12 tỷ khách du lịch trên toàn thế giới và số lượng du khách tăng 4% mỗi năm. Dự kiến năm 2030 sẽ có 18 tỉ lượt khách du lịch. Điều này tạo ra một thách thức lớn đối với sự phát triển du lịch bền vững.

Giáo sư Fredric William Swierczek (Giám đốc học viện AIT tại Việt Nam) đặt ra một câu hỏi: đâu là cách thức tốt nhất để phát triển du lịch bền vững? Theo giáo sư, Chương trình Nghị sự 21 được thiết lập vào năm 1996 và là kết quả của Hội nghị thượng đỉnh thế giới năm 1992 đã chỉ rõ trọng tâm tập trung vào việc phát triển môi trường bền vững và phát triển du lịch. Chương trình Nghị sự 21 có sự tham gia của 182 quốc gia, nhằm đảm bảo tương lai phát triển bền vững toàn cầu. Những sáng kiến nhiều tham vọng bao gồm xử lý rác thải, sử dụng nguồn nhiên liệu hiệu quả, quy hoạch sử dụng đất, sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan để phát triển bền vững trong kinh doanh du lịch tại các quốc gia và các địa phương tại các quốc gia đó. Điều gì đã xảy ra? 20 năm chưa đủ dài để đạt được những kết quả đáng kể, chúng ta vẫn trên con đường theo đuổi phát triển du lịch bền vững. Chương trình Nghị sự 21 không được xem là đã đạt được mục tiêu. Tại Việt Nam, Chương trình Phát triển Năng lực và Nâng cao Trách nhiệm Xã hội để Bảo vệ Môi trường và Phát triển Du lịch Bền vững (ESRT) do EU hỗ trợ thực hiện nhằm cung cấp một số hỗ trợ kỹ thuật cho Tổng cục Du lịch Việt Nam. Chương trình này tập trung vào các giải pháp phát triển du lịch bền vững trong tình hình biến đổi khí hậu. Phát triển năng lực dự kiến ​​sẽ diễn ra ở cấp quốc gia và cấp tỉnh để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu thông qua các hoạt động tư vấn kỹ thuật và đào tạo. Quy hoạch du lịch dài hạn, chính sách du lịch có trách nhiệm và cơ sở dữ liệu liên quan đã bắt đầu được thiết lập. Còn quá sớm để xác định tác động của ESRT nhưng sự nhấn mạnh về chính sách, kế hoạch tổng thể và nâng cao năng lực gợi nhớ lại Chương trình Nghị sự 21 - những lý tưởng tuyệt vời mà không có kết quả. Có cách nào tốt hơn để đạt được phát triển du lịch bền vững? Tính bền vững đòi hỏi những hành động mang lại những tác động tích cực cho môi trường, xã hội và nền kinh tế. Hội đồng Du lịch Thế giới, một liên minh của các doanh nghiệp trong ngành này từ năm 2005, đã có một chương trình về Du lịch Ngày mai để tìm kiếm các phương pháp hay nhất trong du lịch bền vững. Chương trình này bao gồm những sự kết nối giữa các công ty kinh doanh, các điểm đến, cộng đồng, sản phẩm du lịch và đổi mới sáng tạo. Đã có hơn 2000 dự án tham gia với 52 giải thưởng. Nhiều tác động tích cực bao gồm việc giảm đáng kể lượng phát thải CO2, sản xuất năng lượng bền vững, tạo việc làm, phát triển doanh nghiệp xã hội và bảo vệ môi trường nhiều hơn và đa dạng sinh học bền vững đã được thực hiện. Phát triển bền vững trong ngành du lịch được thương mại hoá rất tốt cùng với sự tham gia của các bên liên quan bao gồm: các điểm đến, cộng đồng, cơ quan quản lý, và các doanh nghiệp liên quan như khu nghỉ dưỡng, khách sạn và các công ty du lịch.

Các chuyên gia nước ngoài rất ấn tượng với lịch sử, nền văn hoá và phát triển du lịch Việt Nam tại cuộc hội thảo. Trong suốt 2 ngày diễn ra hội thảo, các vấn đề liên quan đến marketing sản phẩm du lịch, kinh doanh du lịch và quản lý khai thác, vận hành được đặt trong quan điểm bảo tồn hệ sinh thái để phát triển du lịch bền vững đã được bàn luận sôi nổi.

 

Giáo sư Erick LEROUX (Trường Đại học Paris 13, Pháp) cho rằng cần cân nhắc đến hành vi liên đới của các bên tham gia vào hệ thống dịch vụ du lịch và những ảnh hưởng của cam kết về môi trường xã hội, con người, văn hoá, sinh thái và kinh tế của các cộng đồng dân cư. Việc thiết lập hệ thống dịch vụ du lịch đặt câu hỏi về hành vi hợp tác của các cá nhân bên ngoài tham gia vào việc phát triển hệ thống dịch vụ du lịch, cũng như hành vi hợp tác của các cộng đồng dân cư. Hiệu quả bền vững của việc tự nguyện ủng hộ du lịch bền vững được thể hiện thông qua hành vi hợp tác của các nhà tài trợ và những người nhận được tài trợ để phát triển du lịch bền vững. Cần xác định tác động của các bên liên quan đến hệ thống dịch vụ du lịch trong quan điểm của môi trường sinh thái, môi trường xã hội, phát triển kinh tế và di sản. Các chỉ số thể hiện hiệu quả của du lịch bền vững được đánh giá thông qua: 1) các chỉ số môi trường, 2) các chỉ số liên quan đến con người, 3) các chỉ số kinh tế, và (4) di sản và các chỉ số văn hoá. Cần xem xét tác động của sự đóng góp cho hệ thống dịch vụ du lịch thông qua bốn chỉ số này.

Giáo sư Zaher Hallab và Semih Yilmaz (Trường Đại học California State University East Bay) cho rằng cần tìm hiểu vấn đề ăn uống của giới trẻ bởi nó tác động đến việc phát triển du lịch bền vững. Ăn uống là một ngành công nghiệp liên tục phát triển với giá trị hàng tỷ tỷ USD ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Trong khi nhiều nghiên cứu nghiên cứu đang tập trung vào thái độ và hành vi liên quan đến việc phát triển du lịch bền vững của giới trẻ, không có nghiên cứu nào đề cập đến thái độ và hành vi trong trải nghiệm ăn uống của họ. Các nghiên cứu gần đây đã tìm thấy rằng hành vi ăn uống của sinh viên trong khuôn viên nhà trường là một yếu tố quyết định quan trọng cho hành vi ăn uống trong cuộc sống sau này. Do đó hiểu được vai trò của thái độ và hành vi của sinh viên để đưa ra các biện pháp thúc đẩy và hạn chế trong ăn uống tại trường có thể có những tác động đáng kể về môi trường và xã hội. Nghiên cứu của ông đã đánh giá các chương trình và sáng kiến ​​khác nhau của các cơ sở giáo dục đại học liên quan đến việc phát triển thái độ và hành vi tích cực đối với du lịch bền vững; đồng thời khẳng định mối liên quan giữa nhu cầu, sở thích, kinh nghiệm ăn uống của sinh viên trong trường đối với vấn đề phát triển du lịch bền vững. Nghiên cứu của Nguyễn Minh Hà và Đặng Thị Ái Linh (Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho thấy ẩm thực địa phương có tác động đáng kể đến ý định lựa chọn đi du lịch của du khách tới thành phố Hồ Chí Minh.

Liên quan đến việc phát triển du lịch vền vững trong giới trẻ, Jeanette McDonald và Dominique (Trường Đại học IPAG, Pháp) cho rằng những người du lịch trẻ và đặc biệt là sinh viên hiện nay được giáo dục và có nhận thức tốt về việc bảo vệ môi trường, vì vậy yếu tố đạo đức có ảnh hưởng đến việc lựa chọn các chuyến đi trong những dịp nghỉ lễ của họ, đồng thời có tác động đến việc xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch. Nghiên cứu này có ích đối với các công ty khi đưa ra các sản phẩm du lịch và hình thức marketing.

Hà Thị Thuỳ Dương (Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh) nói về du lịch sáng tạo và kinh nghiệm của khách du lịch, đây là chiến lược phát triển dựa trên sự tương tác tích cực giữa khách du lịch và cộng đồng địa phương hướng đến việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá. Cụ thể như du lịch ẩm thực với sự chủ động tham gia của du khách, họ tự trải nghiệm các hoạt động và sinh hoạt với dân bản địa. Du lịch sáng tạo đem đến cơ hội về kinh tế và văn hoá cho cả khách du lịch và người dân địa phương.

Cũng liên quan đến khía cạnh văn hoá, Bùi Thị Quỳnh Ngọc, Mike Robinson và Helle Jorgensen đã thực hiện một nghiên cứu về thương mại hoá sự hiếu khách của người dân địa phương. Hiện nay có rất ít lý thuyết nghiên cứu về vấn đề này. Truyền thống hiếu khách ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần được nhận biết và hiện thực hóa trong kinh doanh du lịch. Sự hiếu khách thể hiện qua sự tiếp đón và chuẩn bị đồ ăn, qua bài trí không gian trong nhà. Sự hiếu khách này thay đổi so với cách mà người dân địa phương từng sống và thể hiện trong quá khứ. Trước đây người dân có truyền thống sống trong những ngôi nhà nhỏ, bài trí đơn giản, đồ ăn cũng đơn giản. Nhưng khi kinh doanh du lịch thì để thể hiện sự hiếu khách, nhiều thứ đã được thay đổi, âm hưởng truyền thống vẫn còn nhưng đã được hiện đại hóa, cải biên đi rất nhiều. Nghiên cứu cũng cho thấy có sự can thiệp của các bên liên quan như chính quyền địa phương và công ty du lịch trong kinh doanh du lịch homestay hiện nay.

Giáo sư Robyn Bushell (Trường Đại học Western Sydney) lại nhìn nhận vấn đề du lịch bền vững theo một khía cạnh khác, đó là vấn đề du lịch sức khoẻ và sự gắn kết của nó với quy hoạch phát triển du lịch và quá trình khai thác vận hành. Các bên liên quan cần có tầm nhìn để bảo vệ và khuyến khích đảm bảo sức khoẻ trong quá trình khai thác kinh doanh dịch vụ du lịch, đồng thời sự trao đổi, hợp tác tích cực và gắn kết giữa các bên liên quan là cực kỳ cần thiết để phát triển du lịch bền vững đảm bảo sức khoẻ con người.

Về khía cạnh vận hành hoạt động kinh doanh du lịch để đạt được hiệu quả, năng lực đổi mới sáng tạo là một yếu tố quan trọng và được nhóm nghiên cứu (Trịnh Thuỳ Anh, Wim Vanhaverbeke, Nguyễn Ngọc Thông) đề cập tại hội thảo. Nghiên cứu của nhóm đã cho thấy doanh nghiệp cần có năng lực đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, thể hiện thông qua năng lực đánh giá thị trường, khả năng kết nối mạng lưới nghề nghiệp bên ngoài doanh nghiệp, khả năng thiết lập sự hợp tác trong nội bộ công ty và năng lực học hỏi. Những năng lực này thúc đẩy tạo ra những kết quả đổi mới, thể hiện thông qua những kết quả trong nội bộ doanh nghiệp, những đổi mới về mô hình và kết quả kinh doanh, những đổi mới trong xã hội.

Cũng liên quan đến việc vận hành kinh doanh du lịch, kết quả của nhóm nghiên cứu Trịnh Thuỳ Anh, Nguyễn Trần Cẩm Linh, Nguyễn Thị Thuỷ, Lê Thanh Huyền Thơ (Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh) cho thấy trong hoạt động khai thác kinh doanh của các khách sạn, nếu những người quản lý quan tâm đến chất lượng nội bộ của nhân viên như: lương, thưởng, phúc lợi, đào tạo thì nhân viên sẽ hài lòng và làm việc tốt hơn, họ hăng say làm việc và phục vụ khách hàng tốt hơn, làm cho khách hàng hài lòng và trung thành, nhờ đó doanh nghiệp sẽ đạt được những kết quả hoạt động kinh doanh vượt trội.

Vấn đề marketing được đề cập đến trong nghiên cứu của Nguyễn Trần Cẩm Linh, Dương Quỳnh Nga, Đỗ Thị Thanh Xuân (Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh). Theo đó, truyền miệng truyền thống (thông qua người thân, bạn bè đồng nghiệp) tuy tạo nên sự gắn kết chặt chẽ so với truyền miệng thông qua các mạng xã hội nhưng lại không tác động đến hành vi mua dịch vụ du lịch của du khách, trong khi đó truyền miệng thông qua các trang mạng xã hội thì tác động mạnh đến ý định trải nghiệm du lịch tại các điểm đến của du khách. Một nghiên cứu khác của Trịnh Thuỳ Anh, Nguyễn Thị Diệu Linh, Lê Thị Ngọc Tú (Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh) cho thấy có mối quan hệ giữa kết quả hoạt động, sự gắn kết và khả năng học hỏi của công ty du lịch với tài sản thương hiệu của chính công ty đó. Nghiên cứu được thực hiện tại 9 công ty du lịch lớn ở thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy các công ty du lịch có kết quả kinh doanh tốt, nhân viên có sự gắn kết với tổ chức, công ty tạo ra môi trường học tập, văn hoá học hỏi thì giá trị tài sản thương hiệu theo đánh giá của khách hàng là cao. Như vậy các công ty kinh doanh du lịch khi thực hiện các hoạt động marketing và phát triển thương hiệu cần chú ý đến sự ảnh hưởng của kết quả kinh doanh, sự gắn kết và học hỏi của công ty, nếu khai thác được các yếu tố này thì việc phát triển thương hiệu sẽ đạt được sự bền vững và hiệu quả hơn.

Vấn đề nguồn nhân lực cho ngành du lịch cũng là một vấn đề quan trọng. Nguyễn Thế Khải và Hà Thị Thuỳ Dương (Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh) đưa ra một hướng tiếp cận từ việc phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam. Được biết Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh có ngành đào tạo về Quản trị du lịch tại Khoa Quản trị kinh doanh, trong nhiều năm qua trường luôn đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và gắn kết với thực tiễn để giúp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tại trường. Hội thảo quốc tế Phát triển du lịch bền vững lần thứ 8 được tổ chức tại Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một trong số các hoạt động này. Nguyễn Minh Đức, Tô Thị Kim Hồng, Đặng Thanh Liêm cũng nhấn mạnh đến vai trò của nhà trường trong việc đào tạo hướng dẫn viên du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế. Vấn đề hội nhập người lao động khuyết tật trong ngành du lịch – một khía cạnh liên quan đến phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch cũng được Lê Thị Hằng Giang, Vũ Việt Hằng, Thái Thanh Tuấn (Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh) đề cập đến. Trong xu thế phát triển bền vững, vấn đề hội nhập nghề nghiệp cho người khuyết tật và quản trị sự đa dạng trong ngành du lịch đang ngày càng được quan tâm. Các rào cản mà người khuyết tật gặp phải trong môi trường làm việc ở Việt Nam, những đóng góp đáng kể của họ cho doanh nghiệp, những nguyên tắc đối xử công bằng cần đảm bảo cũng như sự hỗ trợ cần có của Nhà nước được bàn bạc và thảo luận chi tiết tại hội thảo.

Hội thảo đã kết thúc thành công với vai trò tạo ra cơ hội và diễn đàn trao đổi cho các giáo sư, chuyên gia, nhà nghiên cứu và giám đốc các doanh nghiệp du lịch đến từ các quốc gia thuộc 5 châu lục, bao gồm các nước: Pháp, Bỉ, Đức, Úc, Mỹ, Canada, Brazil, Maroc, Thái Lan… Việt Nam. Hội thảo cũng là dịp giới thiệu các chuyên gia và doanh nghiệp có tên tuổi đến với thế giới, mở rộng mạng lưới liên kết, tạo nên hình ảnh của doanh nghiệp Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.