KHOA QUẢN TRỊ KINH DOANH - Where success begins

Cách lập Kế hoạch Phát triển khả năng lãnh đạo của cá nhân

Nguyen Thi Thu Thao - 10/05/2021 - 0 bình luận

 

Ngoài các chuyên môn cần học và kỹ năng liên quan để tạo dựng sự nghiệp, có cuộc sống vui vẻ, cân bằng và hạnh phúc, mỗi người trong chúng ta đều nên là 1 nhà lãnh đạo cho bản thân. Không chỉ sinh viên khoa Quản trị kinh doanh mà mọi người, vâng, mỗi người nên là 1 nhà lãnh đạo cho cá nhân mình.

Xin giới thiệu bài tổng hợp về

 

Cách lập Kế hoạch Phát triển khả năng lãnh đạo của cá nhân


 

 

Trong nhiều tổ chức và trong nhiều ngành, các nhà lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý các nhóm, làm việc cùng nhau để đưa ra các quyết định quan trọng (đôi khi khá khó khăn) và hướng dẫn một tổ chức đi đúng hướng.

Ta thường nghĩ rằng một nhà lãnh đạo là một nhà điều hành có kinh nghiệm với văn phòng riêng biệt và một đội ngũ. Nhưng trong thực tế ta hay thấy các tổ chức thành công thường dựa vào các nhân viên thể hiện được kỹ năng lãnh đạo mạnh mẽ bất kể chức danh công việc của họ là gì hoặc thời gian tại nhiệm của các nhân viên đó là bao lâu và cho dù họ có văn phòng riêng hay họ có nhân viên hay không.

Nếu bạn đang muốn nâng cao năng lực lãnh đạo của mình, một chiến lược quan trọng để định hướng sự phát triển của bạn là lập một Kế hoạch phát triển năng lực lãnh đạo cá nhân. Loại kế hoạch này có thể giúp bạn phát triển trong vai trò hiện tại và cũng chuẩn bị cho bạn để đảm nhận thêm trách nhiệm lãnh đạo trong một vai trò mới trong môi trường xã hội và tại nơi làm việc.

Dưới đây là vài gợi ý khi đánh giá kỹ năng lãnh đạo của bạn, về lập kế hoạch cá nhân, xây dựng Kế hoạch phát triển khả năng lãnh đạo và tích hợp vào các vai trò và trách nhiệm hàng ngày của bạn.

Lợi ích của Kế hoạch Phát triển Lãnh đạo Cá nhân

Như đã được nêu tên, một Kế hoạch phát triển khả năng lãnh đạo phác thảo các bước mà bạn dự định thực hiện để trở thành một nhà lãnh đạo. Một kế hoạch nên bao gồm các kỹ năng bạn cần cải thiện, các trách nhiệm bạn muốn đảm nhận và các nhiệm vụ mà bạn hy vọng bản thân sẽ hoàn thành.

Nhiều kế hoạch phát triển khả năng lãnh đạo đóng vai trò là thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Trong những trường hợp này, kế hoạch sẽ có những lợi ích vượt ra ngoài phạm vi cá nhân. Khi Kế hoạch phát triển lãnh đạo phù hợp với chiến lược kinh doanh, các tổ chức có thể liên kết với các mục tiêu và kế hoạch chiến lược rộng lớn hơn và sẽ có thể đầu tư hỗ trợ các nhà lãnh đạo tiềm năng — chẳng hạn như các chương trình đào tạo nội bộ hoặc bồi hoàn học phí. Sự liên kết như vậy làm tăng khả năng của kế hoạch và sẽ giúp cấp trên của bạn và tổ chức phê duyệt cho kế hoạch phát triển lãnh đạo cá nhân của bạn.

Trước khi lập kế hoạch: Tiến hành tự đánh giá

Trước khi lập kế hoạch phát triển năng lực lãnh đạo cá nhân, bạn nên lập danh sách những điều chính bạn cảm thấy quan trọng và cần thiết và kế hoạch có thể bao gồm trong khoảng 10 đến 15 đặc điểm của một nhà lãnh đạo hiệu quả. Một số đặc điểm này có thể nêu cụ thể cho ngành hoặc cho vai trò hiện tại hoặc vai trò mong muốn của bạn, trong khi những đặc điểm khác nên áp dụng cho các vị trí lãnh đạo nói chung.

Tạo được danh sách các phẩm chất lãnh đạo này sẽ giúp bạn đánh giá kỹ năng của chính mình. Một số đặc điểm trong danh sách có thể đòi hỏi sự phát triển cả về chuyên môn và cá nhân và do đó các đặc điểm đó đáng được đưa vào kế hoạch phát triển của bạn. Những đặc điểm khác có thể là điểm mạnh cốt lõi đáng lưu ý trong kế hoạch của bạn (nhưng có thể sẽ ở mức độ ưu tiên thấp đối với tổ chức). Các nhà lãnh đạo thành công có xu hướng có nhiều điểm chung, vì vậy sẽ dễ dàng xác định được đặc điểm nào là thế mạnh của bạn và đặc điểm nào cần cải thiện.

GovLeaders.org là một tài nguyên tốt dành cho các nhà quản lý và lãnh đạo trong khu vực công, hoặc bạn có thể chọn từ khóa bạn cần và vào google.com để tìm thêm. Ngoài ra có gợi ý rằng bạn nên suy nghĩ về một “tuyên bố sứ mệnh cuộc đời”. Tương tự như một tuyên bố sứ mệnh của công ty, điều này có nghĩa là để liên kết các nỗ lực phát triển khả năng lãnh đạo của bạn với các mục tiêu cá nhân và nghề nghiệp lâu dài của bạn. Đây là một bước quan trọng, vì nó đảm bảo rằng các bước bạn thực hiện để cải thiện kỹ năng lãnh đạo của mình mà không mâu thuẫn với loại công việc hay mục đích cá nhân bạn muốn làm.

Các yếu tố của Kế hoạch Phát triển Lãnh đạo Cá nhân

Sau khi bạn đã suy nghĩ kỹ về các mục tiêu lãnh đạo dài hạn của mình và những phẩm chất lãnh đạo mà bạn muốn cải thiện, đã đến lúc lập kế hoạch phát triển năng lực lãnh đạo cá nhân của bạn.

Vì tài liệu này là cá nhân, nó nên có kiểu dáng và định dạng phù hợp nhất với cách bạn tiếp nhận thông tin. Một số người có thể sử dụng dạng bảng; những người khác có thể thích một biểu đồ hoặc số khác thích ở dạng văn bản. Bất kể hình thức nào, có một số điều quan trọng mà mọi kế hoạch phát triển lãnh đạo cá nhân nên bao gồm:

1. Kỹ năng cốt lõi cần thành thạo

Các nhà lãnh đạo có một số trách nhiệm công việc cụ thể đối với vai trò như một người giám sát. Các kỹ năng có thể bao gồm điều hành các cuộc họp, cung cấp phản hồi, chia sẻ thông tin trước các nhóm và đưa ra các quyết định về nhân sự hoặc đưa ra các quyết định khác. Hãy xác định các kỹ năng phù hợp với mục tiêu phát triển khả năng lãnh đạo của bạn nhưng không thuộc trách nhiệm công việc hiện tại của bạn. Nếu ai đó bạn hiện đang làm việc cùng có những kỹ năng này, hãy hỏi xem bạn có thể đi theo quan sát họ, học hỏi ở họ hoặc có thể hỗ trợ, làm việc với họ không. Nếu không, hãy tìm kiếm thêm các nguồn lực bên ngoài để giúp bạn xây dựng những kỹ năng này.

2. Khoảng cách trải nghiệm còn thiếu

Ngoài các kỹ năng chiến thuật, có một số trách nhiệm chiến lược mà một nhà lãnh đạo có thể đảm nhận. Những điều này có thể bao gồm bắt đầu một dự án mới, hay xử lý một dự án không diễn ra trọn vẹn, hoàn hảo, hay quản lý các dự án các chương trình lớn hơn và quan trọng hơn, hoặc quản lý trong giai đoạn khủng hoảng. Cũng tương tự như xây dựng kỹ năng, điều quan trọng là phải xác định những nhiệm vụ chính phù hợp với mục tiêu của bạn và phát triển kế hoạch để đạt được kinh nghiệm cần thiết, tìm cách lấp vào các trải nghiệm bạn còn thiếu để tăng năng lực của bản thân.

3. Các mối quan hệ mới cần xây dựng

Là một nhà lãnh đạo, bạn sẽ tương tác với nhiều bên liên quan một cách thường xuyên. Ví dụ như nhiều người trong tổ chức của bạn và bao gồm trưởng bộ phận, nhân viên tuyến đầu và người quản lý với các bộ kỹ năng khác nhau. Những người khác nằm ngoài tổ chức của bạn và bao gồm từ khách hàng và nhà cung cấp đến thành viên hội đồng quản trị và các thành viên khác của cộng đồng doanh nghiệp. Khi bạn xây dựng kế hoạch phát triển khả năng lãnh đạo, hãy xác định các bên liên quan mà bạn muốn có mối quan hệ bền chặt hơn, cùng có lợi và liên hệ để bắt đầu tạo mối quan hệ.

4. Nhiệm vụ cụ thể để ủy quyền

Các nhà lãnh đạo hiệu quả luôn cân bằng giữa nhiệm vụ hàng ngày và trách nhiệm lâu dài. Họ tập trung vào công việc phù hợp nhất với chuyên môn của họ và tin tưởng những người khác trong tổ chức ở các việc khác, đảm bảo rằng các dự án không bị trì hoãn và nhân viên vẫn gắn bó. Liệt kê các hoạt động quan trọng đối với sự phát triển nghề nghiệp trong vai trò của bạn, cùng với các hoạt động mà những người khác có khả năng tự hoàn thành và ủy thác để họ làm.

5. Các hạng mục hành động chính cần hoàn thành

Như đã lưu ý, các chi tiết cụ thể của kế hoạch phát triển năng lực lãnh đạo nên bao gồm các điểm mạnh cũng như các lĩnh vực cải tiến tiềm năng. Đối với mỗi lĩnh vực mà bạn thấy có khả năng cải thiện, hãy tính vào mục hành động, khung thời gian mà bạn muốn hoàn thành nhiệm vụ và chi phí (về thời gian và / hoặc tiền bạc). Các mục hành động có thể bao gồm gặp gỡ người cố vấn hoặc người quản lý, đọc một cuốn sách về lãnh đạo, hoàn thành bài đánh giá về khả năng lãnh đạo hoặc xác định các cơ hội đào tạo hoặc giáo dục nâng cao.

6. Các chỉ số quan trọng của thành công

Các nhà lãnh đạo không chỉ được đánh giá dựa trên thành công của chính họ mà còn dựa trên thành công của nhóm của họ. Kế hoạch phát triển năng lực lãnh đạo cá nhân của bạn nên liệt kê các chỉ số thành công quan trọng đối với các nhà lãnh đạo và nhóm của họ, bao gồm nhưng không giới hạn những điều sau:

Nâng cao chất lượng công việc

Cải thiện tinh thần và tinh thần đồng đội

Tăng cường phân quyền trách nhiệm

Lập kế hoạch và chuẩn bị chiến lược

Không ngừng học hỏi cho bạn và nhóm của bạn

Ghi nhận những đóng góp của nhóm

Bên cạnh việc lên kế hoạch, hãy xây dựng sự phát triển của lãnh đạo vào vai trò hiện tại của bạn

 

Một kế hoạch lãnh đạo cá nhân nên là một tài liệu sống. Bạn nên xem tới xem lui một cách thường xuyên để đảm bảo rằng bạn đang giải quyết các lĩnh vực mà bạn đã xác định cho chính mình và đáp ứng các mốc thời gian bạn đặt ra để đảm nhận trách nhiệm mới, xây dựng kỹ năng mới, v.v.

Việc hoàn thành các mục tiêu mà bạn đặt ra trong kế hoạch sẽ không đòi hỏi phải có những thay đổi lớn về cách bạn làm việc hoặc học tập. Rốt cuộc, kế hoạch nhằm giúp bạn tiếp tục phát triển chứ không phải bắt đầu lại hoàn toàn. Tuy nhiên, có một số hoạt động mà bạn có thể thêm vào thói quen thường xuyên để hỗ trợ sự phát triển của mình với tư cách là một nhà lãnh đạo.

Tìm kiếm phản hồi. Nói chuyện với nhóm của bạn và đồng nghiệp của bạn về mức độ phát triển của bạn với tư cách là một nhà lãnh đạo và các điều bạn cần tiếp tục hoàn thiện. Điều quan trọng nữa là tìm kiếm phản hồi từ các nhóm mà bạn thường không tương tác, cho dù họ là các bộ phận khác trong tổ chức của bạn hay các đối tác bên thứ ba. Những nhóm này sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc khác với góc nhìn từ những người làm việc với bạn thường xuyên.

Dành thời gian để suy ngẫm. Các nhà lãnh đạo có rất nhiều trách nhiệm để đảm đương. Hãy dành 15 phút mỗi sáng để đánh giá những công việc quan trọng nhất trong ngày và 15 phút vào buổi tối để suy ngẫm về những gì đã diễn ra tốt đẹp và những gì có thể đã được cải thiện. Cân nhắc viết những suy nghĩ của bạn vào nhật ký, tập trung vào các bài học hoặc hiểu biết sâu sắc mà bạn có được từ kinh nghiệm của mình.

Tìm một người cố vấn. Cho dù là một nguồn tư vấn hay là một kết nối với các cơ hội kết nối, những người cố vấn rất quan trọng đối với sự phát triển năng lực lãnh đạo cá nhân. Điều quan trọng là phải tìm một người cố vấn luôn sẵn sàng tham gia các cuộc họp thường xuyên và người sẽ cung cấp phản hồi trung thực — người luôn nói với bạn những gì bạn muốn nghe có thể vô tình cản trở sự phát triển của bạn. Người cố vấn của bạn có thể là người quản lý ở công việc hiện tại của bạn, người quản lý từ công việc trước đây, giáo sư hoặc một nhân vật được kính trọng trong cuộc sống cá nhân của bạn.

Đăng ký các khóa đào tạo. Tự đào tạo cung cấp một cơ hội quý giá để nuôi dưỡng các kỹ năng lãnh đạo. Ngoài các tài nguyên như sách, thông tin trên mạng và các khóa tu nghiệp về lãnh đạo, hãy cân nhắc học thêm để trau dồi nhiều kỹ năng — bao gồm tâm lý học, viết, đàm phán, tài chính, ra quyết định có đạo đức, logic và hành vi tổ chức.

 

Chúc các bạn sẽ là 1 nhà lãnh đạo tốt nhất cho bản thân mình