KHOA QUẢN TRỊ KINH DOANH - Where success begins

PHƯƠNG PHÁP ĐÓNG VAI(ROLE PLAYING) TRONG MÔN QUAN HỆ CÔNG CHÚNG

Nguyen Thi Thu Thao - 11/05/2021 - 0 bình luận

 

Quan hệ công chúng (Public Relations), viết tắt là PR, là tiến trình truyền thông chiến lược nhằm xây dựng mối quan hệ lợi ích lẫn nhau giữa tổ chức và công chúng (Vân Thị Hồng Loan, 2020). Mục đích của PR mang tính lâu dài và có định hướng, có kế hoạch rõ ràng. Trong thời đại công cụ Internet ngày càng phổ biến và phát triển mạnh mẽ như hiện nay, PR không còn chỉ được ứng dụng trong các chuyên ngành Quản trị kinh doanh mà nó còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là ở các tổ chức, doanh nghiệp xem trọng công tác truyền thông với công chúng bên ngoài và bên trong tổ chức. Môn học “Quan hệ công chúng” mang đến cho sinh viên những kiến thức căn bản, cốt lõi trong hoạt động và quản lý PR, từ việc nghiên cứu các vấn đề PR, lập kế hoạch, triển khai kế hoạch, quản lý rủi ro đến đánh giá tính hiệu quả của chiến dịch PR.

 

  1. PHƯƠNG PHÁP ĐÓNG VAI (ROLE PLAYING)

1.Định nghĩa

Thuật ngữ role playing được Shaftel (1967) hệ thống hoá thành phương pháp giáo dục trong bối cảnh xã hội Mỹ nửa đầu thế kỉ XX. Ông sử dụng role playing như là phương pháp để luyện tập khả năng giải quyết các tình huống xã hội, nắm vững những mong ước và hiểu rõ suy nghĩ của chính bản thân. Theo Shaftel, role playing được cấu tạo bởi 8 bước: khởi động, tuyển chọn người diễn xuất, xây dựng sân khấu, chuẩn bị cho quan sát của người xem, diễn xuất, thảo luận, đánh giá, diễn xuất bổ sung và khái quá hoá (Nguyễn quốc Vương, 2014). Thông qua phương pháp đóng vai này, nhà nghiên cứu muốn người học, cụ thể ở đây là sinh viên, được thực hành những kỹ năng ứng xử và bày tỏ thái độ, quan điểm cá nhân với những giả định, vở kịch, tình huống do giảng viên lập ra. Phương pháp này sẽ lý giải, giải quyết vấn đề dựa trên lý luận đóng vai và không chỉ dừng lại ở mức độ hoạt động học tập, vui chơi.  

2.Các phương pháp đóng vai được sử dụng trong lớp học

Có 4 kiểu phương pháp đóng vai được sử dụng trong lớp học, tuy nhiên, nếu có những vở kịch có nội dung trùng lặp hoặc tình huống cụ thể thì có thể kết hợp hai hoặc nhiều yếu tố này.

Đóng vai xung đột (the conflict role play) mở ra một tình huống có những tính chất đối nghịch nhau, những tình huống đời mang tính cấp bách buộc người học phải tự tin vào khả năng cũng như vốn kiến thức, kinh nghiệm của mình để có thể xử lý tình huống một cách triệt để và ổn thoả nhất.

Ngược lại với kiểu phương pháp trên, cùng hợp tác để diễn (the cooperative role play) yêu cầu những người tham gia phải làm việc cùng nhau vì một lợi ích chung. Phương pháp này thường được dùng cho những tình huống “an toàn”, phù hợp với tất cả các bạn sinh viên từ nhút nhát đến tự tin. Ngoài ra, hình thức này còn giúp các bạn xây dựng mối quan hệ bạn bè trong một nhóm học sinh.

Lỗ hỏng thông tin (Information gap role play) đặt người học vào một tình huống buộc họ phải tìm hiểu thật kỹ những thông tin liên quan đến lĩnh vực hoặc một chuyên môn nào đó. Phương pháp này đòi hỏi sinh viên phải chuẩn bị thật công phu, tuy nhiên, đây cũng là cách kiểm tra xem sinh viên có thực sự tìm hiểu về tình huống cũng như đã vận dụng được hết những gì được giảng viên truyền tải chưa.

Đóng vai dựa trên nhiệm vụ được yêu cầu (Task-based role play) cho phép người học được hoá thân vào một nghề nghiệp, vị trí bất kỳ trong doanh nghiệp,… sinh viên sẽ có cơ hội được trải nghiệm những tình huống thực tiễn, rèn luyện các kỹ năng ứng phó, đồng thời hình thành sự tự tin của sinh viên vào khả năng tiếp nhận và giải quyết các tình huống thực tế.

3.Quá trình để hoàn thiện phương pháp đóng vai

Để hoàn thiện phương pháp giảng dạy bằng hình thức đóng vai, người dạy cần phải trải qua 6 bước dưới đây:

Bước 1 – Tạo tình huống kịch: Người dạy cần liệt kê ra nhiều tình huống cho một đoạn kịch bất kỳ. Để nội dung đoạn kịch kích thích được tính hiếu kỳ và khuyến khích các bạn sinh viên tham gia thì giảng viên nên tìm chủ đề dựa trên nhu cầu, sở thích, phong trào ngay thời điểm đó,… có thể lấy từ tình huống xã hội có thật hoặc trên phim ảnh, trong sách báo. Mặt khác, giảng viên có thể để cho sinh viên tự lựa chọn tình huống hoặc đề xuất đề tài mà mọi người cùng quan tâm, cách làm này sẽ tạo hứng khởi cho người học trong việc luyện tập những kiến thức đã được học tại lớp.

Bước 2 – Phát triển nội dung: Sau khi đã có được bối cảnh vở kịch, người dạy cần đưa ra những ý tưởng để phát triển tình huống câu chuyện hoặc biến hoá lời thoại để tạo nên các mâu thuẫn, xung đột.

Bước 3 – Chuẩn bị lời thoại: Ở phần nội dung này, người dạy cần lưu ý không nên để sẵn lời thoại cho sinh viên mà nên để họ tự ứng phó, suy nghĩ để đối đáp trong cuộc hội thoại. Bên cạnh đó, bạn có thể liệt kê vài từ khoá có liên quan để hỗ trợ các bạn sinh viên trong việc phát triển nội dung, từ đó cũng có thể tạo nên những tình huống “khó xử” để sinh viên tự đưa ra cách giải quyết, giúp bản thân họ tự tin hơn trong giao tiếp.

Bước 4 – Chuẩn bị thông tin: Khi các bạn sinh viên bốc thăm được vai diễn của mình, giảng viên cần cung cấp cho họ thông tin sơ lược về hoàn cảnh của vở kịch cũng như mô tả ngắn về vai diễn của họ. Cách làm này sẽ giúp sinh viên có thể đảm nhận vai diễn và hoàn thiện nó một cách tốt nhất. Ngoài ra, cách này còn giúp người dạy tiết kiệm được thời gian bởi tránh tình trạng nhóm diễn kịch hiểu sai ý và làm lạc đề.

Bước 5 – Phân vai: Phân vai hay phân chia nhóm đều góp phần lớn trong việc quyết định sự thành công của phương pháp đóng vai. Là một người điều hành lớp học cần phải có kỹ năng quan sát và đánh giá khả năng của học sinh – sinh viên. Với những nhóm có quá nhiều bạn nhút nhát hoặc một nhóm có nhiều bạn tự tin thì sẽ dẫn đến kỹ năng của hai nhóm không được đồng đều, đánh giá sẽ mang tính chủ quan hơn. Vậy nên, thay vì để các em tự do chọn nhóm thì giảng viên nên chủ động tự gộp các em lại thành nhóm thì khi đó việc phân vai cũng sẽ khả thi hơn. Sau khi thành nhóm, giảng viên có thể tạo những lá thăm có vai trò trên đó cho sinh viên rút, hết một đoạn tình huống thì có thể đổi vai cho nhau. Dù có tham gia vào phần diễn kịch hay không thì vai trò của người dạy cũng hết sức quan trọng. Giảng viên phải luôn lắng nghe và ghi chú lại những thông tin, cách ứng xử, thái độ,… của sinh viên để sau khi kết thúc đưa ra lời nhận xét chân thành.

Bước 6 – Kết thúc và đánh giá: Khi phần đóng kịch đã hoàn thành xong, giảng viên nên dành ra một ít thời gian hoặc có thể kêu một bạn bất kỳ ở nhóm khác để tổng kết và xâu chuỗi lại những sự việc vừa xảy ra. Tuy nhiên, người dạy không nên nhận xét quá khắt khe hoặc chỉnh từng lỗi nhỏ vì sẽ khiến người học dễ bị tự ti, không còn hào hứng để tham gia các vở kịch khác nữa. Giảng viên có đánh giá một cách khách quan thông qua thảo luận hoặc qua hình thức phản ứng trên diễn đàn. Trên diễn đàn, giảng viên có thể đăng tải những câu hỏi khảo sát như là: Bạn thấy buổi học ngày hôm nay như thế nào? Bạn thấy tình huống của nhóm mình như thế nào? Bạn học được gì sau khi giải quyết tình huống đó,.. Các câu hỏi này nhằm xác định mức độ mà các phiên đóng vai đã đạt được cũng như sinh viên có thể yêu cầu đánh giá trải nghiệm của các vai trò, cách các “diễn viên” xử lý vấn đề. Ngoài ra, giảng viên nên khuyến khích các nhóm khác đại diện người đưa ra lời nhận xét hoặc cách giải quyết tình huống theo suy nghĩ và quan điểm cá nhân.

4.Giới thiệu một số kịch bản sử dụng trong việc dạy học môn Quan hệ công chúng

Tình huống 1: Giới thiệu 1 sản phẩm dưỡng da bất kỳ

Trong tình huống này, giảng viên sẽ chia lớp thành nhiều nhóm khác nhau. Mỗi nhóm sẽ bốc thăm ngẫu nhiên trúng một sản phẩm bất kỳ, có thể là son, cushion, kẻ chân mày,.. Các nhóm phải có nhiệm vụ hoá thân thành những chuyên viên PR, tự lên kế hoạch quảng bá sự kiện, chọn địa điểm, lên nội dung chương trình, thiết kế, concept,… và sẽ diễn kịch như một buổi tổ chức sự kiện thực sự tại lớp học.

Các bạn còn lại trong lớp sẽ là những khách mời đến tham dự sự kiện và một vài bạn sẽ là cánh nhà báo. Sau khi sự kiện kết thúc, cánh nhà báo sẽ đưa ra những lời nhận xét để chương trình hoàn thiện hơn về những sai sót của mình. Khi buổi kịch kết thúc, giảng viên sẽ là người đưa ra lời nhận xét cuối cùng.

Tình huống 2: Một buổi họp báo ra mắt sản phẩm

Không chung chung như tình huống 1, tình huống 2 đưa ra tính chất sự kiện rõ ràng, đưa người học vào một bối cảnh cụ thể là một buổi họp báo. Các bạn sinh viên trong team phải cùng nhau làm việc và đưa ra những tình huống, câu hỏi mà cánh nhà báo có thể hỏi. Vì đây là một tình huống đối thoại trực tếp nên các bạn trong cùng 1 team phải cùng nhau làm việc để hiểu rõ sản phẩm của mình một cách toàn diện nhất có thể để đối đáp với cánh nhà báo.

Tình huống 3: Họp báo để giải quyết tin đồn, scandal

Scandal từ lâu đã luôn là ‘nỗi ám ảnh” của doanh nghiệp vì nếu giải quyết không triệt để có thể gây ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh mà doanh nghiệp xây dựng. Đây được xem là một tình huống giải quyết xung đột, các bạn trong team có thể làm dưới nhiều hình thức khác nhau: là bên đại diện của công ty hoặc sẽ chia thành 2 bên – 1 bên là phía công ty, 1 bên là người đi kiện.

Với dạng tình huống này, người học phải thật khéo léo trong cách sử dụng từ ngữ cũng như thái độ phù hợp khi nhận được câu hỏi từ cánh nhà báo cũng như phản ứng của khách hàng, cộng đồng mạng. Không chỉ xử lý khéo mà người tham gia cũng cần phải hiểu rõ về tin đồn, scandal mà doanh nghiệp mình đang mắc phải, tránh việc bị thiếu, hỏng thông tin vì sẽ khiến buổi họp báo mang đến kết quả tiêu cực hơn. Vì tính chất của tình huống nên người tham gia khó tránh khỏi những cảm xúc không thể kiểm soát, vậy nên giảng viên cần quan sát và điều chỉnh ngay tức thời để tránh những cãi vã không đáng có.

Tình huống 4: Đánh bóng thương hiệu

Ở tình huống này, các bạn sinh viên có thể tự chọn một thương hiệu hoặc giảng viên sẽ liệt kê sẵn và sinh viên bốc thăm. Để đánh bóng tên tuổi một thương hiệu, các bạn sinh viên cần tìm hiểu kỹ tầm nhìn – sứ mệnh của doanh nghiệp, biết rõ những sản phẩm mà doanh nghiệp mình đang sản xuất và kinh doanh, những thành tựu đã đạt được, quá trình hoạt động,.. Từ đó có thể cho doanh nghiệp liên kết với một tổ chức thiện nguyện bất kỳ (nên lựa những tổ chức lớn, có tên tuổi như: CHANGE Việt Nam, WHO,..), có thể kết hợp với hình thức quảng bá sản phẩm mới, trích một phần doanh thu để quyên góp vào quỹ. Cách làm này vừa giúp tăng doanh thu cho sản phẩm, khiến nhiều người biết đến sản phẩm hơn, vừa thể hiện được trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tính nhân đạo và thông điệp mà doanh nghiệp truyền tải đến công chúng.

Để vở kịch diễn ra trọn vẹn, các bạn sinh viên cần tìm hiểu thông tin thật kỹ về doanh nghiệp mình làm cũng như tổ chức hợp tác để tránh trường hợp thông tin bị sai lệch, nội dung chương trình bị lạc ý nghĩa (mang tính thương mại nhiều hơn truyền tải thông điệp).

Tình huống 5: Chuyên viên PR gửi bộ tài liệu truyền thông cho báo chí nhưng bị sai lệch thông tin

Đây là một tình huống ảo nhưng không có nghĩa nó không xảy ra ngoài đời thực. Với những tình huống như thế này, các bạn sinh viên cần liệt kê hướng giải quyết và xử lý nguồn thông tin triệt để. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm, ai sẽ là người sửa lỗi,… và cần làm gì trong những tình huống như vậy.

Tình huống này sẽ giúp các bạn sinh viên hiểu rõ hơn về công việc của mình cũng như cần lưu ý để tránh phạm phải những sai lầm không đáng có. Vừa giúp sinh viên nhận thức được chuyên môn, vừa giúp các bạn có thêm dũng khí để giải quyết rủi ro khi làm việc ngoài đời thực.

  1. KẾT LUẬN

Phương pháp đóng vai có thể được sử dụng trong lớp học theo nhiều cách khác nhau, nó có thể được sử dụng để tăng hiệu quả học tập thông qua việc mô tả các sự kiện có thực, sách, báo,… Nhập vai cũng được sử dụng để các bạn sinh viên hiểu rõ về mối quan hệ giữa người với người, chẩn đoán các vấn đề đang hiện hữu trong lớp học giữa cá nhân với cá nhân và cá nhân với nhóm. Các tình huống, vở kịch được tạo ra dựa trên khuôn mẫu về hành vi của con người, các bạn sinh viên có thể nghiên cứu, tìm hiểu và thực hành để trau dồi thêm nhiều kiến thức, kỹ năng xã hội. Tính độc đáo của phương pháp đóng vai nằm ở chỗ các “diễn viên” được giới thiệu với hình ảnh chân dung được phác hoạ dựa trên cốt chuyện và các quan hệ vai trò. Các bạn sinh viên phải đặt mình vào các nhân vật này và diễn xuất một cách tự nhiên nhất. Hơn nữa, mỗi cá nhân sẽ có một phong cách trình diễn riêng biệt nên mỗi vai trò sẽ không có khuôn mẫu cấu trúc ràng buộc. Từ đó, nó tạo cơ hội cho sinh viên thực hành những khiến thức mới, áp dụng cho việc giảng dạy và thực hành.

Ở mỗi phương pháp giảng dạy đều có những ưu điểm, nhược điểm và phương pháp đóng vai cũng không ngoại lệ. Vậy nên để tránh kết quả mang đến không như mong đợi, giảng viên nên đưa ra kế hoạch cụ thể để có thể giải quyết những rủi ro không mong muốn. Giảng viên, người hướng dẫn là vai trò quan trọng nhất để quyết định xem phương pháp giảng dạy này có thành công hay không. Người giảng viên phải thật nhiệt huyết và vô cùng khéo léo để có thể xử lý những tình huống có khả năng xảy ra. Bên cạnh đó, trước khi bắt đầu áp dụng phương pháp đóng vai, giảng viên cần hướng dẫn quy trình, cách thức của nó cho cả lớp.