Nếu ngành quản trị kinh doanh đã từ lâu được biết đến như là ngành tạo cơ hội việc làm rộng nhất cho các bạn sinh viên mới tốt nghiệp thì chuyên ngành khởi nghiệp lại khá mới mẻ với đại đa số các bạn sinh viên và cả các cơ sở đào tạo. Theo thống kê thì chuyên ngành khởi nghiệp chỉ mới có mặt tại một số ít các trường đại học từ năm 2016. Sớm hơn một chút trong thực tế, khởi nghiệp tại Việt Nam trở nên nóng bỏng từ 2015 khi có nhiều ý tưởng kinh doanh nhận được tài trợ của các quỹ khởi nghiệp quốc tế với ngân quỹ cho mỗi dự án tương đương nhiều tỷ đồng Việt Nam. Và đến những tháng đầu năm 2017, chủ đề khởi nghiệp trong thực tế tại Việt Nam càng nóng hơn khi có sự khuyến khích từ phía chính phủ, của chính quyền thành phố, sự tham gia của các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, và giới truyền thông. Những ý tưởng về “quốc gia khởi nghiệp”, “tinh thần khởi nghiệp”, “thành phố khởi nghiệp”, “sinh viên khởi nghiệp”, hàng loạt các dự án khởi nghiệp, các sản phẩm và dịch vụ mới xuất hiện, các cuộc thi về khởi nghiệp để tiếp nhận nguồn tài trợ từ các nhà đầu tư, các doanh nhân nói về khởi nghiệp, các hội thảo, các lớp học ngắn hạn về khởi nghiệp… đã thúc đẩy khởi nghiệp như một xu thế trong kinh doanh và trong giới trẻ hiện nay.
Có lẽ chính sự xuất hiện thành công của nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, cùng những phương thức kinh doanh mới mẻ hiện nay là lời giải đáp cho câu hỏi tại sao khởi nghiệp lại là một điều cần thiết và quan trọng, khởi nghiệp đã thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Đó là những khía cạnh tích cực. Tuy nhiên xu thế khởi nghiệp cũng có những mặt tiêu cực của nó. Trong trào lưu ấy, chúng suy nghĩ gì khi các chứng kiến sự sụp đổ và chấm dứt chu kỳ sống ngắn ngủi của những dự án khởi nghiệp được đầu tư nhiều tỷ đồng trước đó? Vấn đề khởi nghiệp vừa là xu thế, vừa là một thách thức, và cần có sự hỗ trợ của khoa học quản trị nhiều hơn nữa, để không chỉ là ý tưởng manh mún bột phát từ phía các doanh nhân trẻ, mà nó cần được sự hỗ trợ về công cụ một cách bài bản, về phương pháp một cách khoa học và hệ thống.
Các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về khởi nghiệp tại Việt Nam có chung 3 nhận định rất chính xác: (1) khởi nghiệp là một xu hướng rõ ràng của các bạn trẻ Việt Nam, (2) để thành công trong khởi nghiệp đòi hỏi một nền tảng kiến thức vững chắc về kinh doanh và khởi nghiệp kinh doanh và (3) các trường đại học bắt buộc phải tham gia vào quá trình đào tạo về khởi nghiệp. Như một hệ quả, một số trường đại học bắt đầu giới thiệu chương trình đào tạo về khởi nghiệp đến với sinh viên từ năm 2016 đến nay. Cũng theo ý kiến các chuyên gia, các trường đại học có bề dày kinh nghiệm trong đào tạo quản trị kinh doanh sẽ chiếm ưu thế về chất lượng trong đào tạo khởi nghiệp. Tuy nhiên, các chương trình đào tạo khởi nghiệp hiện nay đang nhấn mạnh đến việc khởi sự kinh doanh và vận hành một doanh nghiệp, một dự án, mà chưa chú trọng đến việc đổi mới sáng tạo trong kinh doanh. Câu hỏi đặt ra là làm sao để đưa ra được một ý tưởng về sản phẩm mới? đưa ra một mô hình kinh doanh khác biệt? Chứ không chỉ vận hành doanh nghiệp kinh doanh theo cách các doanh nghiệp khác đang thực hiện. Những câu trả lời sẽ được tìm thấy sau khi học chương trình đào tạo Khởi nghiệp và đổi mới kinh doanh tại Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh.